Đầu tư phát triển cây chè Shan tuyết Hoàng Su Phì

Ông Hoàng Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) khẳng định: “Chè Shan tuyết Hoàng Su Phì có đầy đủ lợi thế về uy tín, chất lượng và thương hiệu, có thể đáp ứng được nhu cầu của những vị khách khó tính nhất”. Việc đầu tư phát triển cây chè Shan tuyết là một hướng đi đúng của huyện, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và làm giàu từ cây chè Shan tuyết.

Tổng diện tích chè của huyện Hoàng Su Phì là 4.018 ha, là nguồn nguyên liệu khá lớn cho giá trị hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên trong các năm vừa qua, các nhà máy chè trong tỉnh chưa khai thác và chế biến triệt để nguồn nguyên liệu này để góp phần tạo vùng nguyên liệu cho 13 xưởng chế biến chè công nghiệp với tổng công suất 78 tấn búp tươi/ngày. Theo tính toán, một năm sản xuất 200 ngày thì 13 nhà máy trên mới sản xuất 15.600 tấn/năm, đạt 35,5 % nguồn nguyên liệu búp tươi cả năm.

Ông Lò Giàng Páo, một chủ hộ sản xuất chè ở xã Nậm Ty cho biết: "Nhờ chính sách phát triển hợp lý của huyện trong việc đầu tư, thâm canh cây chè Shan đặc sản của vùng mà đời sống người làm chè ở xã Nậm Ty đổi thay rất nhiều, nhiều gia đình của xã đã có tiền để mua sắm những tiện nghi sinh hoạt trong gia đình có giá trị như ti vi, xe máy, tủ lạnh...". Chủ tịch UBND huyện Hoàng Hải Lý cho biết thêm: Trong chiến lược phát triển cây chè của tỉnh thì vùng chè đặc sản Hoàng Su Phì được coi là điểm nhấn quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đối với chính sách phát triển những loại cây đặc sản. Chè Shan tuyết mong ra biển lớn, mong hội nhập với các danh trà nổi tiếng trong nước, đó là tham vọng và cũng là ý nguyện của người dân Hoàng Su Phì. Hiện tại những chính sách phát triển cây chè đang là hướng đi đúng của Hoàng Su Phì. Để phát huy những lợi thế của cây chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, huyện đã khuyến khích các cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư, xây dựng sản xuất chế biến chè. Nhiều vùng nguyên liệu như Hồ Thầu, Nam Sơn, Nậm Khòa, Nậm Ty được phát triển với trên 340 ha đang cho thu hoạch. Chiến lược phát triển cây chè đang được huyện quan tâm và chỉ đạo tích cực bằng các biện pháp cụ thể như: phát triển dựa vào cộng đồng làm chủ đạo, đồng thời cấp một diện tích vừa đủ, an toàn tương ứng với qui mô thiết kế lắp đặt cho một nhà máy. Huyện khuyến khích mọi thành phần kinh tế, tổ chức cá nhân tham gia sản xuất, chế biến chè xuất khẩu; đặc biệt chú trọng tạo vùng nguyên liệu tập trung cho mỗi nhà máy cụ thể. Các doanh nghiệp, các cá nhân đã có đồi chè, nhà máy được khuyến khích tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật, thiết bị công nghệ vào các khâu tưới tiêu; chăm sóc; thu hái; bảo quản búp tươi nhằm đưa năng suất chất lượng lên cao, giảm lao động cơ bắp.

Để tạo ra các sản phẩm tinh chế có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và trên thế giới, huyện nghiên cứu ứng dụng các thiết bị lò đốt cấp nhiệt cho máy sấy chè tiêu hao ít nhiên liệu than nhất. Huyện đã chỉ đạo và hỗ trợ các công ty, nhà máy sản xuất chế biến chè nên chú trọng áp dụng các bộ tiêu chuẩn ISO vào quá trình quản lý chất lượng tại chỗ. Quá trình quản lý chất lượng tại chỗ có ý nghĩa rất quan trọng, phát huy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong các công đoạn sản xuất.

Với những chính sách trên, trong tương lai gần cây chè Shan tuyết Hoàng Su Phì sẽ khẳng định được thương hiệu, vị trí của mình và sánh cùng những danh trà nổi tiếng khác.

Lê Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN