Nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay, dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà khoa học, tình hình dịch trên thế giới và ở nước ta diễn biến vẫn phức tạp. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sản xuất an toàn và có an toàn mới sản xuất, thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800 để đưa ra các phương pháp, biện pháp cụ thể trong điều kiện bình thường mới hiện nay.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang dự thảo kế hoạch tổng thể đối với công tác phòng, chống dịch dựa trên nền tảng khoa học và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm chúng ta rút ra qua 4 đợt dịch, nhất là đợt dịch thứ 4.
Sau khi đã kiểm soát tốt đợt dịch thứ 4, năng lực ứng phó của chúng ta đang được nâng lên, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chiến lược vaccine được thực hiện rất hiệu quả, đến nay, việc triển khai tiêm vaccine cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên mũi 1 đã đạt khoảng 98% và mũi 2 đạt trên 78%. Cùng với đó, triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi với tỉ lệ mũi 1 đạt trên 64% và mũi 2 đạt trên 15%. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong các địa phương đạt tỉ lệ bao phủ vaccine nhanh nhất và cao nhất. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh COVID-19, tuy nhiên, đã có một số thuốc kháng virus có hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt là qua 4 đợt dịch, ý thức của người dân đã nâng lên rất cao, từ đó có thể chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch hiện nay. Kế hoạch chống dịch của chúng ta trong giai đoạn tới là làm sao thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát được dịch bệnh.
Kế hoạch tổng thể sẽ đưa ra định hướng cơ bản trong công tác phòng, chống dịch để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo thực hiện được mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong kế hoạch tổng thể, định hướng phân cấp, phân quyền một cách triệt để cho các tỉnh, thành phố chủ động trong công tác phòng, chống dịch, cũng như chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với năng lực và tình hình thực tế tại địa phương. Cùng với kế hoạch tổng thể, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan luôn quan tâm đặc biệt đến các tỉnh, thành phố có tình hình dịch phức tạp và sẽ kịp thời hỗ trợ, không để tỉnh, thành phố, khu vực nào bị bỏ lại phía sau.
“Với chiến lược phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là với kế hoạch phòng, chống dịch mà Bộ Y tế đang chuẩn bị trình Chính phủ, chúng tôi cho rằng vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đó là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất ca tử vong, đồng thời giúp cho doanh nghiệp ổn định, phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội giúp cho người dân ổn định, các địa phương ngày càng phát triển”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe
Chia sẻ về sự chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đối với việc phòng, chống dịch của Thành phố, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch COVID đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng nhân dân. Ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã cử những đoàn chỉ đạo trực tiếp; đồng thời, hỗ trợ nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ từ tuyến Trung ương giúp Thành phố phòng, chống dịch.
Ông đánh giá cao giải pháp dồn nguồn vaccine có được của cả nước cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ đó, Thành phố là địa phương phủ vaccine mũi 1 sớm nhất và cho đến nay vaccine mũi 1 đã phủ 100%, mũi 2 đã phủ được gần 90% người từ 18 tuổi trở lên, đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, nguồn thuốc điều trị cũng được hỗ trợ, đặc biệt là các túi thuốc được ưu tiên cho trung tâm của điểm dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân cũng đánh giá cao sự vươn lên, vượt qua thách thức của đội ngũ doanh nhân Thành phố trong đại dịch, với việc thực hiện các giải pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì một số hoạt động sản xuất trong lúc có dịch. Sau khi Thành phố đã phủ được vaccine, kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp đã bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đến nay, 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48 nghìn lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động. Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280 nghìn người. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ khu vực Hoa Kỳ, châu Âu và các nước cho mùa đông và Giáng sinh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh bày tỏ, xây dựng các nhà máy và kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đều có những rủi ro về cháy nổ, ngập lụt, an toàn lao động, nhưng chưa bao giờ xây dựng rủi ro về bệnh dịch. Đó là điều không có tiền lệ và xảy ra hết sức đột ngột. Lúc đó, doanh nghiệp “trở tay không kịp”.
“Khi xây dựng nhà máy, chúng tôi không xây dựng khu công nhân ở và trong 100 doanh nghiệp thì thường chỉ có 30 doanh nghiệp có bộ phận y tế. Tất cả những vấn đề liên quan đến bệnh lý đều ra y tế địa phương hoặc bảo hiểm. Do đó, việc đón nhận dịch này trong 100 ngày qua đối với doanh nghiệp là hết sức bất ngờ nếu không nói là khủng khiếp. Để hoạt động trở lại, bắt buộc chúng tôi phải ngồi lại, đặc biệt là những doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất. Chúng tôi phải quyết định hoạt động theo 3 tại chỗ”, ông Trần Việt Anh nói.
Theo ông, doanh nghiệp chỉ có một tuần chuẩn bị cho thực hiện 3 tại chỗ. Việc này tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp khi chỉ có 30 - 40% lao động ở lại thực hiện 3 tại chỗ. “Thực sự chúng tôi chưa bao giờ hình dung ra là vẫn sản xuất nhưng lại không được lưu thông, vẫn sản xuất nhưng nhận vật tư vào để sản xuất rất khó. Chúng tôi sản xuất ra hàng nhưng lại không giao hàng được. Đó là những việc rất khó khăn nhưng cũng là trải nghiệm lớn”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.
Ông Trần Việt Anh cho rằng, qua đợt dịch này, các doanh nghiệp đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc, và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp. “Cơn bão” COVID-19 giúp sàng lọc cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, và doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh là “thấm nhất” trong trải nghiệm này. Sau 100 ngày giãn cách xã hội và sống trong tình trạng có doanh nghiệp hoạt động, có doanh nghiệp hoạt động 3 tại chỗ, có doanh nghiệp ngừng hoạt động, từ tháng 10 đến hết tháng 11, các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thích ứng với nhiều tình trạng khác nhau, nhưng đều có một thích ứng chung, đó là, hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe. Các doanh nghiệp có lực lượng nhân sự tham gia vào quy trình này. Khoảng 70% doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ như một nhân viên y tế cấp địa phương, có thể theo dõi, nhận ra được triệu chứng, sức khỏe của những F0.