Giảm bớt phụ thuộc vào thủy điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN), tổng công suất đặt của toàn hệ thống điện quốc gia hiện vào khoảng 38.300 MW, công suất phụ tải lớn nhất gần 26.600 MW. Như vậy, về mặt tổng thể thì hệ thống có dự phòng khoảng 20 - 30% để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn cả nước.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, ngay từ cuối năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nước về nhiều hồ thủy điện đạt thấp, nhất là các hồ ở khu vực miền Trung và miền Nam không tích được đến mực nước dâng bình thường. Các hồ chỉ tích được 80% so với dung tích hữu ích đầy hồ.
Thực tế vận hành cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, tình hình nước về các hồ thủy điện kém hơn nhiều so với dự báo. Tổng lượng nước về các hồ từ khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh vào miền Nam trong 4 tháng chỉ chiếm 60% so với kế hoạch nước về Bộ Công Thương tính toán từ đầu năm. Do vậy, tập đoàn đã hạn chế khai thác các nhà máy thủy điện ở miền Nam và miền Trung để giữ nước đến cuối mùa khô vì miền Nam mới bắt đầu lũ từ tháng 6 và miền Trung từ tháng 8 - 9.
Công nhân Công ty Điện lực Nam Định Lắp đặt trạm biến áp chống quá tải lưới điện phân phối. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Với tình hình này, năm nay, EVN đã chuẩn bị phương án tăng trưởng phụ tải 11% như Bộ Công Thương phê duyệt và sẵn sàng cả phương án cao hơn là 13 - 14%, với tần suất nước của Bộ phê duyệt là 65% thì EVN cũng tính cả phương án là 90%.
Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, trước dự báo những tác động của El Nino sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2016, Cục đã yêu cầu EVN tính toán, phát dầu từ cuối 2015 và giữ nước cho năm 2016. Cụ thể đến nay, EVN đã phải huy động sản lượng chạy dầu là 650 triệu kWh, cao hơn kế hoạch trong khi năm ngoái không phải huy động nguồn điện đắt tiền này.
“Chúng tôi cũng phải huy động nguồn than, khí, dầu để tăng nguồn cung điện phục vụ sản xuất và nhu cầu của người dân”, ông Phúc cho biết. Cụ thể EVN đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm bảo cung cấp đủ khí và than cũng như vận hành ổn định các nhà máy của các tập đoàn này.
Chuẩn bị cả phương án cực đoan
Theo tính toán mới nhất của EVN, dự kiến nhu cầu sử dụng điện trong các tháng còn lại của mùa khô 2016 tiếp tục tăng cao. Cụ thể, tháng 5 khoảng 16,7 tỷ kWh và tháng 6 khoảng 16,2 tỷ kWh. Trung bình, tăng trưởng phụ tải trong mùa khô năm nay khoảng 11,04% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tổng lượng nước còn lại tính đến ngày 9/5 trong các hồ thủy điện quy ra điện là 4,76 tỷ kWh, hụt so với mực nước dâng bình thường là 9,75 tỷ kWh và cao hơn cùng kỳ năm trước là 222 triệu kWh. Tuy nhiên, lượng nước còn lại của các hồ ở miền Trung và miền Nam rất thấp với sản lượng thủy điện còn lại tương ứng khoảng 2,21 tỷ kWh, chỉ bằng khoảng 86% so với cùng kỳ năm trước.
“Như vậy, hệ thống điện quốc gia có đủ nguồn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện”. Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải |
Hiện miền Nam đã hết cao điểm mùa khô nên tình hình cung cấp điện cho khu vực này đỡ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, miền Bắc lại bắt đầu cao điểm mùa khô (từ tháng 6) nên EVN đã chuẩn bị cả phương án cực đoan là phụ tải ngày cao nhất sẽ tăng đến 20% và như vậy hệ thống điện vẫn hoàn toàn đáp ứng được mức tăng trưởng trên cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô này.
EVN cho biết, đến nay hầu hết các công tác sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy nhiệt điện than và tua bin khí đã cơ bản xong, đang sẵn sàng cao nhất để cung ứng điện cho các tháng tới. EVN cũng phối hợp chặt chẽ cùng PVN để tối ưu các kế hoạch sửa chữa của hệ thống khí PM3 và Nam Côn Sơn nhằm đảm bảo cung cấp khí tốt nhất cho phát điện.
Về phía Bộ Công Thương, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng cho rằng đối với địa phương hiện nay cần phối hợp với các chủ hồ chứa làm sao sử dụng nguồn nước từ các hồ thủy điện một cách hợp lý. Bởi nếu sử dụng nước quá nhiều vào giai đoạn đầu mùa nóng, khi bắt đầu có nguy cơ căng thẳng nguồn cung điện thì đến cao điểm tháng 6 - 7 sẽ không có nước dùng. Do vậy, các bên liên quan cần phối hợp để lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, có dự báo để sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.