Sự gia tăng này chủ yếu là do các doanh nghiệp vẫn còn “nợ” đơn hàng cung ứng cho Philippines và Indonesia theo hợp đồng ký kết liên Chính phủ từ quý IV/2015. Trong quý I/2016, tính cả hợp đồng thương mại, các doanh nghiệp phải giao hàng lên đến 1,2 triệu tấn gạo các loại. Điều này đã cải thiện giá lúa gạo trong nước cao hơn trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, việc giá lúa trong nước cao cũng là vấn đề đáng lo ngại của doanh nghiệp khi muốn ký hợp đồng thương mại mới. Bởi hiện nay lượng tồn kho gạo của cả nước còn ít, sản lượng thu hoạch lại không nhiều, doanh nghiệp muốn mua cung ứng phải chịu giá cao. Trong thời gian gần đây, giá lúa gạo trong nước luôn luôn cao hơn gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới còn khá thấp. Nếu tình hình này kéo dài thì các hợp đồng thương mại sẽ khó ký được. Vấn đề này có thể sẽ được cải thiện khi vào chính vụ thu hoạch đông xuân.
Theo Cục Trồng trọt, tính đến ngày 28/1, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ đông xuân năm 2015 - 2016 được khoảng 1,54 triệu ha trong tổng số 1,56 triệu ha diện tích kế hoạch. Các địa phương này đã thu hoạch khoảng 120.000 ha với năng suất 6,3 - 6,4 tấn/ha.
Hiện giá lúa khô tại kho khu vực đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.000 - 5.100 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.250 - 5.350 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.700 - 6.800 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.500 - 6.600 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.