Nhiều người dân sống gần khu vực rừng lo rằng nếu tình trạng nắng nóng và thiếu nước tiếp tục kéo dài, các khoảnh rừng còn lại sẽ khó tránh khỏi tình trạng tương tự. Đây là rừng phòng hộ ven biển, có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế các tác động do biến đổi khí hậu và xâm thực biển, đảm bảo sinh kế người dân vùng ven biển.
Rừng đang chết khô
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, khu vực có rừng bị chết nằm ở ấp Huỳnh Kỳ (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu). Kết quả phối hợp kiểm tra, khảo sát mới đây giữa Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hải, Tổ Bảo vệ rừng ấp Huỳnh Kỳ (xã Vĩnh Hải) cho thấy, khoảng 1,5 ha rừng tại hai khu vực thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu đang chết khô, còn 175 ha rừng do Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu quản lý cũng đang trong tình trạng nguy hiểm nhưng chưa có số liệu thống kê chi tiết.
Tổ Bảo vệ rừng ấp Huỳnh Kỳ và Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu đánh giá rừng bị chết khô là do thiếu nước (cả nước sông, nước biển đều không lên đến gốc cây làm cho đất dưới gốc cây bị khô). Từ năm 2017 trở về trước, hai khu vực rừng này phát triển tốt, có cây con tái sinh do có nước biển dẫn lên thông qua rạch Hồ Bể - Giồng Chùa và cống Năm Đoàn. Nhưng từ khi công trình nâng cấp đê biển, đắp đập ngang rạch Hồ Bể - Giồng Chùa được thi công cũng như cống Năm Đoàn được xây dựng lại vào năm 2017 thì nước biển không vào được rừng. Trong khi đó, nguồn nước được dẫn lên từ phía sông Mỹ Thanh, thông qua kênh Giồng Chùa cũng không đủ.
Ông Đinh Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý Bảo vệ rừng, cho biết: “Tình trạng không có nước ở khu rừng đước này từ trước đến giờ chưa bao giờ xảy ra. Nước thấp lắm cũng đến mắt cá chân, còn bình thường nước ngập chừng đầu gối, kể cả vào mùa khô. Bây giờ Hồ Bể - Giồng Chùa đang được đắp đập thì nước không lên, cây chết khô dần. Bà con ở gần rừng không còn hải sản để đánh bắt, mất kế sinh nhai. Vì vậy, người dân mong các cấp, ngành, chính quyền sớm khai đập Hồ Bể - Giồng Chùa để đưa nước vào rừng”.
Ông Lâm Minh Hải, Bí thư Chi bộ ấp Giồng Nổi kiêm thành viên của Tổ quản lý Bảo vệ rừng, cũng cho rằng sau khi con đập được xây để chắn ngang rạch Hồ Bể - Giồng Chùa thì nguồn nước không đủ nuôi rừng nên các loại cây như đước, mắm, cùng nhiều cây tạp khác bị khô hạn nghiêm trọng.
Ông Võ Văn Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu, cũng cho biết, sau khi dự án đê biển, rạch Hồ Bể - Giồng Chùa triển khai việc đắp đập thì bắt đầu xuất hiện hiện tượng rừng thiếu nước. Trong đó, cao điểm là vào tháng 8/2019, cây bắt đầu có hiện tượng rụng lá.
Ông Trần Trọng Khiêm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng thông tin, từ cuối năm 2019, Phòng Kinh tế Vĩnh Châu và Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu đã phát hiện hiện tượng vàng lá trong rừng phòng hộ. Phòng Kinh tế Vĩnh Châu đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu gửi công văn cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị lấy nước từ khu vực 175 ha rừng sang cho khu vực rừng do Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu quản lý. Ngày 5/11/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có văn bản chấp thuận. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện trên thực tế.
Khẩn trương cứu rừng
Trước thực trạng rừng bị chết khô, mới đây, Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu đã có buổi họp với sự tham dự của các lãnh đạo ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Kiểm lâm, Chi cục Thủy lợi, Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu… để bàn các giải pháp, đi đến thống nhất về các biện pháp hữu hiệu nhất trong việc “cứu” rừng.
Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thị xã Vĩnh Châu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước mắt cho đào bờ ranh giữa hai khu rừng trên, để dẫn nước từ cống 16 (cách biển 500m, lấy nước trực tiếp từ biển vào) thông qua kênh cấp nước của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Thành (đơn vị này đang thuê rừng để nuôi trồng thủy sản); đơn vị chủ đầu tư dự án đê biển cho vận hành thường xuyên cống ngầm tại vị trí cống Năm Đoàn (hiện tại cống này đã được thi công xong nhưng bị đóng chết, không hoạt động; chỉ cho nước thoát ra mà không cấp nước vào). Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho rằng về lâu dài phải khai thông đập đắp ngang rạch Hồ Bể - Giồng Chùa.
Ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Vĩnh Châu, cho biết sau khi nắm được thông tin về rừng phòng hộ trên địa bàn xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) bị chết khô, chính quyền thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tìm hiểu nguyên nhân để sớm đề ra các giải pháp tình thế cũng như lâu dài nhằm cứu rừng. Theo đó, rừng chết bởi nắng nóng kéo dài. Phần đất có rừng bị chết ở vị thế gò cao, nước không tự dâng tới được.
Ủy ban thị xã đã ghi nhận ý kiến của người dân về việc đắp đê biển, xây đập ở khu vực Hồ Bể - Giồng Chùa làm cho rừng thiếu nước, đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu để có báo cáo đề xuất. Giải pháp trước mắt là mở cống 16, còn về lâu dài sẽ đầu tư nạo vét hệ thống các tuyến kênh thủy lợi trong khu vực rừng để tăng thêm nguồn dự trữ, cung cấp nước; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu phương án đào thêm một số tuyến kênh.