Mùa khô 2020, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng đã ảnh hưởng gần 60.000 ha đất canh tác tại các huyện, thị phía Tây tỉnh Tiền Giang như: Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy; trong đó có trên 23.000 ha lúa vụ Đông Xuân, trên 36.000 ha vườn trồng cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản quan trọng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Trước tình hình trên, địa phương đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.
Các huyện, thị trong vùng đã đầu tư trên 40 tỷ đồng triển khai thi công các công trình phòng chống hạn mặn trên địa bàn gồm nạo vét kênh mương thủy lợi trữ ngọt, đắp đập ngăn mặn, tổ chức các trạm bơm dã chiến chuyển nước ngọt về ứng cứu vườn cây ăn quả, khoan giếng tầng sâu nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân xã cù lao Ngũ Hiệp.
Ngoài ra, toàn vùng đã nạo vét tổng cộng 30 tuyến kênh mương bị cạn để bảo đảm nguồn nước tưới tiêu và trữ ngọt chống hạn mặn; sửa chữa 44 cống và đắp 160 đập tạm kịp thời ngăn mặn bảo vệ sản xuất.
Đặc biệt, huyện Cai Lậy đã khẩn trương nạo vét 20 tuyến kênh mương, sửa chữa và gia cố 10 công trình cống và đắp 24 đập tạm bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản phía Nam Quốc lộ 1.
Mặt khác, các huyện, thị phía Tây tỉnh Tiền Giang còn tổ chức hàng trăm điểm quan trắc mặn cũng như kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước và độ mặn trên các tuyến sông Năm Thôn, sông Tiền, từ hướng sông Hàm Luông (Bến Tre) xâm lấn sang và lịch vận hành các cống đập ngăn mặn bảo vệ sản xuất… thường xuyên thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động phòng, chống theo phương châm 4 tại chỗ.
Tại huyện đầu nguồn Cái Bè, UBND huyện đã trang bị 25 thiết bị đo mặn để bố trí đo, cập nhật độ mặn hàng ngày tại các xã ven sông Tiền như Đông Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Mỹ Lương, Thiện Trí, Mỹ Đức Đông, Mỹ Đức Tây, An Thái Đông, An Hữu, Hòa Hưng, Thị trấn Cái Bè.
Hơn nữa, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các xã còn chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp xã trang bị thêm hàng trăm bút đo độ mặn, chưa kể, nhân dân địa phương tự trang bị thêm 500 bút đo độ mặn. Qua đó, cập nhật được độ mặn trên sông rạch hàng ngày để chủ động lấy nước tưới tiêu, bảo vệ cây trồng.
Đối với các vùng đã có ô bao ngăn lũ và triều cường trước đây thì tận dụng gia cố đê bao, khẩn trương đóng toàn bộ các cống ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ sản xuất.
Một số địa bàn chưa có đê bao hoặc có đê bao nhưng chưa khép kín gồm Mỹ Long – Thuộc Nhiêu và các xã cặp sông Tiền như Tam Bình, Ngũ Hiệp của huyện Cai Lậy thì các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các giải pháp tích trữ nước tưới bảo vệ cây trồng, phòng chống mặn xâm nhập từ hướng sông Hàm Luông gây hại.
Đáng lưu ý, tỉnh đã triển khai phương án vận chuyển nước ngọt để tưới ứng cứu các vùng trồng trọng điểm kinh tế vườn đang phải chịu hạn mặn gay gắt và thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Nhờ những giải pháp tích cực và chủ động, đến nay, Tiền Giang đã đảm bảo thu hoạch an toàn 100% diện tích lúa vụ Đông Xuân. Đối với vùng chuyên canh cây ăn quả thì chỉ có 2.275 ha bị ảnh hưởng; trong đó 2.186 ha thiệt hại từ 30% đến 70%, còn một ít thiệt hại trên 70%.