Hạn chế nước chảy từ thượng nguồn dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Mê Kông

Tối 7/5, Ủy hội sông Mê Kông Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Stimson phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức tọa đàm trực tuyến các báo cáo gần đây về dòng chảy tự nhiên của thượng lưu sông Mê Kông.

Mục đích của tọa đàm là thảo luận những nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm theo dõi độ cao của sông Mê Kông trên khu vực thượng nguồn; đồng thời tìm hiểu cách thức các đập ở thượng nguồn thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông.

Theo ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Chương trình năng lượng, nước và phát triển bền vững của Trung tâm Nghiên cứu Stimson, bằng cách so sánh dữ liệu vệ tinh từ các nguồn mở và các nguồn có sẵn miễn phí do Ủy hội sông Mê Kông cung cấp, các nhà khoa học của Công ty Eyes on the Earth (EoE) đã phát triển một công cụ có thể xác định khi nào và ở đâu dòng chảy tự nhiên của dòng sông bị thay đổi.

Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng một mô hình đơn giản và đáng tin cậy để dự đoán dòng chảy tự nhiên của thượng lưu sông Mê Kông, sau đó sử dụng dự đoán này để xác định các đập nước liên hoàn được xây dựng trên thượng lưu sông Mê Kông đang làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông như thế nào.

Xét về sự bất thường về độ ẩm của sông Mê Kông trong mùa mưa 2019, ông Claude Williams, Công ty Ứng dụng Vệ tinh Môi trường Toàn cầu cho rằng: Phân tích chi tiết chỉ số độ ẩm hàng tháng từ tháng 5 đến tháng 10/2019 cho thấy, độ ẩm mùa mưa năm 2019 ở thượng lưu sông Mê Kông ở mức tương đối trung bình. Vùng này bắt đầu khô nhẹ vào tháng 5, khô rõ rệt vào tháng 6, ẩm ướt gần mức trung bình vào tháng 7, ẩm ướt hơn so với mức trung bình vào tháng 8 và tháng 9, sau đó là các điều kiện ẩm ướt rõ rệt vào tháng 10. Như vậy, chu kỳ tự nhiên hàng năm trong tất cả các năm trước đáng lẽ đã phải được ghi nhận tại trạm đo Chiang Saen (Thái Lan). Tuy nhiên, dòng chảy tự nhiên từ lưu vực thượng lưu sông Mê Kông đã bị cản trở rất nhiều.

Theo Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), hiện riêng tại dòng chính sông Mê Kông có tổng số 19 hồ chứa thủy điện đã được quy hoạch xây dựng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, sử dụng chỉ số độ ẩm để dự đoán dòng chảy tự nhiên cho thấy, rõ ràng đã có dòng chảy tự nhiên trên mức trung bình có nguồn gốc từ thượng nguồn sông Mê Kông. Phần dư cho thấy dòng chảy dư thừa trong mùa khô, được cho là để hỗ trợ sản xuất điện vào đầu năm 2019; dòng chảy trong mùa mưa bị hạn chế nghiêm trọng khi khu vực hạ lưu sông Mê Kông có lượng mưa thấp kỷ lục. Việc thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Mê Kông trong mùa mưa năm 2019 bị ảnh hưởng phần lớn bởi sự hạn chế nước chảy từ thượng nguồn trong thời gian đó. Nếu chỉ số độ ẩm được sử dụng làm công cụ hướng dẫn mô phỏng dòng chảy tự nhiên thì tất cả các cộng đồng dọc lưu vực sông Mê Kông đều có thể được hưởng lợi từ việc duy trì tính toàn vẹn của dòng sông.

Diệu Thúy (TTXVN)
Chia sẻ kinh nghiệm khuyến nông giữa các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông
Chia sẻ kinh nghiệm khuyến nông giữa các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông

Sáng 11/9, Hội thảo Liên minh các tổ chức khuyến nông tiểu vùng sông Mê Kông (MELA) lần thứ 5 – năm 2019 đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, trong khuôn khổ hợp tác về đào tạo nông nghiệp và khuyến nông khối ASEAN,

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN