Đại diện Tổng cục Thủy lợi cũng cho biết, trên trục kênh này đang còn 2 điểm nữa cũng có những dấu hiệu xói ngầm như tại vị trí vừa xảy ra sự cố vỡ kênh vừa qua. Do đó, Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo các đơn vị xử lý khẩn cấp, khắc phục tạm thời để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, bảo đảm kênh an toàn.
Về nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ kênh vừa qua, đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết, đây là kênh dẫn qua nhiều khe núi, lại có địa chất rất yếu. Đây là đoạn kênh đắp nổi, chiều cao rất lớn (khoảng 16 - 18m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp. Khi đất yếu cộng với dòng thấm mạnh tạo nên xói ngầm bên dưới. Trong khi đó kênh luôn đầy nước nên cơ quan quản lý không phát hiện ra.
“Trước đây, khi xây dựng kênh, tư duy thiết kế và do điều kiện kinh tế nên việc xây dựng được thực hiện theo thiết kế kênh, trong khi đó khu vực này cần phải được thiết kế như đập chứ không phải như kênh”, đại diện Tổng cục Thủy lợi cho hay.
Khi tìm ra nguyên nhân, Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo các lực lượng huy động máy móc, đào vét toàn bộ đất bùn đó, với khoảng 21.000 m3 và đắp toàn bộ chân kênh bằng đá như một hệ thống đập với hệ thống lọc để nước vẫn chảy qua được nhằm bảo đảm dòng thấm. Tổng khối lượng đá đắp khoảng 13.000 m2. Phần trên cách đáy kênh 5m có dải hai lớp vải lọc để đất không xuống chân kênh.
Phần mái kênh do không kịp gia cố bằng tấm bê tông nên trước mắt được thực hiện bằng cách trải bạt. Sau khi cung cấp nước cho sản xuất, các đơn vị chức năng và địa phương sẽ tính toán, thực hiện cắt nước để thực hiện tiếp việc gia cố mái kênh, đồng thời xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở để tăng độ an toàn tuyến kênh.
Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã có nhiệm vụ cấp nước liên tục cả năm. Việc khắc phục sự cố vừa qua phải đảm bảo mục tiêu: đảm bảo an toàn cho công trình lâu dài, nhưng phải thực hiện nhanh chóng để không ảnh hưởng đến sản xuất mùa vụ. Như vừa qua, việc khắc phục sự cố được các đơn vị chức năng và địa phương rất nỗ lực để có thể sớm cấp nước trở lại cho hệ thống. Các lực lượng chức năng và địa phương đã tập trung toàn bộ lực lượng, máy móc làm ngày đêm liên tục để nhanh chóng khắc phục sự cố.
Theo Tổng cục Thủy lợi, trước đây, sau khi hệ thống kênh đi vào hoạt động được bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc tu bổ, bảo trì kênh gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí đó chỉ đủ để nạo nét, sửa chữa cống, mái kênh... và chưa căn cơ.
Năm 2019, Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 tiếp nhận quản lý hệ thống kênh này và theo quy định của Luật Thủy lợi thì sẽ phải chuyển về mô hình công ty. Dự kiến, năm 2021, mô hình hoạt động công ty của đơn vị này sẽ được kiện toàn.
Như đã đưa tin, vào ngày vào ngày 27/12/2020, trong quá trình vận hành phục vụ tưới tiêu, kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đoạn chảy qua huyện miền núi Ngọc Lặc đã xảy ra sự cố trượt khối đất dưới đáy kênh dẫn đến vỡ kênh tại vị trí K5+170 đến k5+240. Sự cố khiến khoảng 31.000 ha diện tích đất nông nghiệp bị gián đoạn tưới tiêu.
Dự án kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc Dự án Hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 2542/QĐ-BNN-XD ngày 26/10/2011.
Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng. Công trình bắt đầu xây dựng vào năm 2011 và đưa vào vận hành năm 2017, phục vụ nước tưới cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp.