Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, các ngân hàng cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tổ chức rà soát, làm việc trực tiếp với các chủ tàu nợ xấu để đánh giá, phân loại hoạt động sản xuất thực tế; tăng cường đào tạo kiến thức vận hành, khai thác thủy sản cho ngư dân; thống kê danh sách các chủ tàu cố tình chây ỳ không chịu trả nợ ngân hàng; xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ khai thác, quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản.
Hiện nay tại Nghệ An, một số địa phương ven biển cũng đang phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để ngư dân hiểu đúng về chính sách, quán triệt cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình; trong đó, đối với các chủ tàu hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhưng không trả nợ thì cho phép ngân hàng sẽ khởi kiện ra tòa để xử lý theo quy định của pháp luật; đối với chủ tàu gặp khó khăn do khách quan và ý thức trách nhiệm tốt thì sẽ xem xét và đề nghị cơ cấu lại nợ vay; những chủ tàu không đủ năng lực để tiếp tục hoạt động, có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu thì hướng dẫn tạo điều kiện để thực hiện chuyển đổi chủ tàu theo đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh văn bản đề nghị Bộ Tài chính đôn đốc Công ty bảo hiểm PJICO Nghệ An tiếp tục bán bảo hiểm cho ngư dân hoặc chỉ định đơn vị khác thay thế Công ty bảo hiểm PJICO Nghệ An bán bảo hiểm cho ngư dân (với điều kiện ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước như mua bảo hiểm của Công ty bảo hiểm PJICO).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An có 104 tàu được đóng theo nguồn vốn từ thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Tại Nghệ An, nhờ có Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã tạo bước tiến về công suất tàu cá, công nghệ, phương thức khai thác; cơ cấu đội tàu khai thác được chuyển dịch theo hướng tàu có công suất lớn, khả năng khai thác xa bờ tăng nhanh.
Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác trên biển đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Thống kê của các địa phương cho thấy, chỉ khoảng 30% số tàu hoạt động hiệu quả, trả nợ ngân hàng đúng cam kết, số còn lại không trả nợ đúng tiến độ; các chủ tàu đang có dư nợ tại ngân hàng 660,4 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 121,74 tỷ đồng. Trong khi đó, hiệu quả của việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, các ngành liên quan và ngư dân chưa cao, chủ yếu là tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở ngư dân trả nợ mà chưa nắm bắt được tình hình một cách cụ thể, sát đúng.
Mặt khác, từ cuối năm 2019 Công ty bảo hiểm PJICO Nghệ An ngừng bán bảo hiểm thân tàu cho các tàu vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP làm cho một số tàu hết thời hạn bảo hiểm không mua được bảo hiểm mới hoặc phải mua bảo hiểm ngoài không được hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm gây khó khăn cho các chủ tàu. Thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp tàu gặp sự cố trong phạm vi bảo hiểm kéo dài, ảnh hưởng lớn đến điều kiện kinh tế của chủ tàu và ảnh hưởng đến thời gian khắc phục, hoạt động của tàu và của ngư dân.