Chúng tôi đến với khu vực có nhiều tàu cá được đóng theo Nghị định 67 ở khu vực Hòn Rớ, thuộc xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang vào cuối tháng 7. Không khó để tìm nhà ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Hội nghề cá Phước Đồng – một ngư dân giỏi của tỉnh Khánh Hòa trong những năm qua.
4 năm về trước, ngư dân Mai Thành Phúc đã rất vui mừng khi được duyệt vay vốn ưu đãi đóng tàu theo Nghị định 67. Thời điểm ấy, ông Phúc được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa (BIDV Khánh Hòa) cho vay 4,4 tỷ đồng để đóng con tàu composite và vinh dự hơn khi ông được Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, lúc bấy giờ trao tặng 300 triệu đồng để đóng tàu. Khi đó, ông rất tự tin vào phương án đầu tư, đánh bắt cũng như trả nợ.
Tháng 5/2015 tàu composite KH99146 TS mang tên Trường Sa 2 hạ thủy, rẽ sóng ra khơi chuyến biển đầu. Lúc ấy, biển còn dồi dào, khai thác cá ngừ đại dương có hiệu quả, và chưa phải trả lãi ngân hàng, khiến ông Phúc rất phấn khởi vì nghĩ kế hoạch trả nợ cho ngân hàng sẽ hoàn thành tốt nhưng từ năm thứ 2 trở đi, khi bắt đầu trả nợ thì tình hình khai thác khó khăn hơn, sản lượng giảm sút hẳn.
Trong năm 2019, ông Phúc có 6 chuyến biển nhưng chỉ có một chuyến lời 7 triệu đồng, còn lại 5 chuyến lỗ đến 200 triệu đồng. Do đó, trong tháng 6, ông Phúc đã cho tàu "nằm bờ", vì thời điểm giao mùa, nếu có đi biển vẫn tiếp tục bị lỗ.
“Bây giờ một chuyến biển chỉ đánh bắt được 5 -7 con cá ngừ đại dương, nếu không có sự hỗ trợ dầu từ nhà nước, chắc 28 tỉnh thành có tàu đóng theo Nghị định 67 đều nằm bờ như tôi cả”, ông Mai Thành Phúc giãi bày.
Cũng theo ông Phúc, đến nay gia đình ông mới trả cho ngân hàng được 400 triệu và đang nợ 4 tỷ đồng. Trong tháng 6/2019 ông đã nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) về việc ngân hàng BIDV Khánh Hòa khởi kiện đòi tiền nợ mà gia đình ông vay đóng tàu theo Nghị định 67.
“ Tòa án gửi giấy triệu tập cho chúng tôi yêu cầu trình bày nguyên nhân dẫn đến việc không thể trả nợ vay để tòa án cũng như ngân hàng xem xét lại, chứ đã vay nợ thì phải trả thôi, bây giờ thua lỗ quá, cho dù ngân hàng có phát mãi hay lấy lại tàu tôi không ý kiến”, ông Phúc tâm sự.
Ông Mai Thành Phúc chỉ là một trong những ngư dân bị các ngân hàng khởi kiện đòi tiền nợ vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tháng 4/2019, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã triệu tập 3 ngư dân: Trần Ngọc Đông, Võ Ngọc Trang và Dương Cao Hoan (đều trú tại thành phố Nha Trang) các chủ tàu này nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) trên 30,9 tỷ đồng tiền vay nợ đóng tàu theo Nghị định 67; còn các ngư dân Trương Gia Tân, Trần Văn Đạt (thành phố Nha Trang) thì đã nhận được cảnh báo từ ngân hàng nếu không trả nợ sẽ bị khởi kiện.
Ngư dân Trương Gia Tân cho biết, hiện nay không những ông mà các chủ tàu 67 khác đều gặp khó khăn rất nhiều về ngư trường, nguồn lợi thủy sản giảm sút, giá nhiên liệu leo thang, lao động đi biển lại càng thiếu trầm trọng…
“Mỗi chuyến đi biển của tôi không lỗ nhiều thì cũng chỉ huề vốn, thu không đủ chi thì biết lấy gì trả nợ. Ngoài việc, được nhà nước tiếp tục hỗ trợ dầu, thì tôi mong nhà nước khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân, chứ ngày nào cũng bị đòi nợ thì còn đâu tâm trí để làm ăn”, ngư dân Trương Gia Tân cho hay.
Theo Agribank Khánh Hòa, ngân hàng này đã nhiều lần mời 3 chủ tàu trên làm việc để yêu cầu thực hiện trả nợ nhưng các chủ tàu cố tình chây ì không trả nợ theo như hợp đồng đã ký kết. Còn BIDV Khánh Hòa cho biết, ngân hàng không hề mong muốn khởi kiện ngư dân, nếu có là do những trường hợp không trả nợ ngân hàng nên ngân hàng mới làm đến bước đó.
Thống kê của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 31 tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, gồm 11 tàu vỏ gỗ nâng cấp, 28 tàu đóng mới; trong đó có 1 tàu vỏ gỗ đã bị chìm năm 2016 do bão, 1 tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần và 26 tàu composite.
“Nguyên nhân chính khiến các tàu này hoạt động không hiệu quả là do thời tiết nắng nắng nóng kéo dài. Một số tàu cá không kiêm nghề, khai thác phụ thuộc vào đàn cá di cư, thiếu linh hoạt cùng với việc khó khăn trong tìm kiếm lực lượng lao động đi biển, giá cả thấp, thu không bù đủ chi...”, ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục này cho hay.
Ông Võ Khắc Én cũng cho biết thêm, hiện tại, Chi cục chỉ thực hiện chức năng tham mưu hỗ trợ ngư dân về lãi suất khi vay, tuyên truyền người dân mua bảo hiểm thân tàu theo đúng quy định của pháp luật, còn các vấn đề khác, chi cục không có thẩm quyền giải quyết.
Việc thực thi Nghị định 67 của Chính phủ cũng bộc lộ rõ những điểm bất cập. Điển hình như chính sách bảo hiểm của 2 Nghị định 67 và Nghị định 17/2018/ NĐ - CP sửa đổi Nghị định 67 có sự khác nhau.
Nếu như trước đây, áp dụng theo Nghị định 67, hàng năm ngư dân được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, trang thiết bị (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức: 70% kinh phí với tàu cá có công suất từ 90 CV đến < 400 CV. 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu cá tổng công suất > 400 CV; thì nay theo Nghị định 17 mới ban hành, hàng năm các tàu có công suất từ 90 CV trở lên chỉ nhận được hỗ trợ 50%.
Nghĩa là ngư dân phải bỏ ra 50% tiền của bản thân để mua bảo hiểm, so với trước chỉ bỏ ra 10%. Mặc khác, hiện nay, hoạt động khai thác thủy sản của tàu cá 67 gặp nhiều khó khăn, ngư dân không đủ tiền để bù thêm mua bảo hiểm, dẫn đến việc các ngân hàng lo bị “mất trắng” và thường xuyên hối thúc ngư dân mua bảo hiểm.
Tính đến tháng 6/2019, BIDV Khánh Hòa đã cho vay đóng mới 9 tàu và 1 tàu cải hoán với tổng số tiền hơn 75,6 tỷ đồng; dư nợ hơn 69,6 tỷ đồng và thu nợ được 6 tỷ đồng. Agribank Khánh Hòa đã ký hợp đồng tín dụng đầu tư 20 tàu, chiếm hơn 60% tổng số tàu cũng như số vốn giải ngân trên địa bàn toàn tỉnh; tổng số tiền cam kết cho vay là 210,41 tỷ đồng; số tiền đã giải ngân 207,64 tỷ đồng; thu nợ được 14,96 tỷ đồng.
Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Nha Trang cũng cho vay đóng mới 1 tàu với số tiền 4,99 tỷ đồng; dư nợ 3,67 tỷ đồng. Bên cạnh những chủ tàu cá trả nợ đúng kỳ hạn cam kết đã phát sinh một số trường hợp khó khăn.
Theo ông Cao Thế Trọng, Phó Giám đốc BIDV Khánh Hòa, tình trạng nợ quá hạn đã phát sinh ở một số chủ tàu cá, BIDV Khánh Hòa đã báo cáo Ban Chỉ đạo Nghị định 67 tỉnh về tình hình hiện tại và cũng có nộp đơn khởi kiện đến tòa án một trường hợp ngư dân quá hạn, không có thiện chí trả nợ.
"Dù hiểu ngư dân những năm gần đây gặp nhiều khó khăn khi đi biển nhưng trước tình hình hoạt động không mấy khả quan của các con tàu này, ngân hàng buộc phải làm việc, phối hợp với chủ tàu tìm nguồn trả nợ. Trước mắt, chỉ còn 3 tàu cá chưa mua bảo hiểm tàu cá, đây là lo lắng lớn đối với ngân hàng, bởi nếu không may con tàu hư hại thì cả ngư dân lẫn ngân hàng đều thiệt hại nặng nề”, ông Cao Thế Trọng nói.
Ông Trọng cũng cho biết thêm, thời gian qua Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa luôn thống nhất chủ trương, đồng hành và hỗ trợ cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn cũng như xử lý nợ vay theo quy định.