Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, các vụ việc gian lận thương mại như Con Cưng, Khải Silk sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh, vị thế Việt Nam. |
Liên quan đến vấn đề giao thông, một số phóng viên đã đặt câu hỏi cho Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, như: Hiện nay nhiều công viên lớn tại TP Hồ Chí Minh đang bị “xẻ thịt” để làm nhà hàng tiệc cưới, sân khấu ca nhạc, kinh doanh dịch vụ... khiến mảng xanh thành phố bị thu hẹp. Vì vậy, Thành phố đã có hướng giải quyết, xử lý vấn đề này ra sao? Ngoài ra, hiện có một số đơn vị thi công tái lập mặt đường rất nhếch nhác, gây nguy hiểm cho người đi đường và mất mỹ quan đô thị thì Thành phố xử lý thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến việc xử lý sai phạm khi “xẻ thịt” công viên, do Thành phố chưa có quy hoạch tổng thể công viên dẫn đến việc khai thác sai mục đích. Các quy hoạch trước đây không còn giá trị pháp lý hoặc không còn phù hợp, vì vậy vừa qua lãnh đạo thành phố cũng đã có chỉ đạo đơn vị khẩn trương rà soát lại thực trạng các công viên trên địa bàn và làm quy hoạch mới. Đơn vị đã hoàn thiện và làm xong quy hoạch mới các công viên trình ủy ban xem xét thực hiện. Theo đó, quy hoạch này sẽ chia thành hai nhóm, nhóm 13 công viên có diện tích lớn hiện hữu do Sở Giao thông Vận tải quản lý và 317 công viên do quận, huyện quản lý. Hiện TP Hồ Chí Minh có hơn 542 ha đất công viên, mới đạt 0,69 m2 cây xanh/người, chỉ tiêu rất thấp so với tiêu chuẩn được Chính phủ phê duyệt (7 m2/người).
Tiếp lời về việc xử lý các đơn vị thi công mặt đường mà tái lập ẩu, sơ sài, ông Lâm chia sẻ: Thành phố hàng năm dành hàng trăm tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nội và ngoại thành, tuy nhiên vẫn còn có một số tuyến đường, các đơn vị thi công xong khi tái lập còn gây phản cảm, khiến người dân bức xúc. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị để xử lý, kịp thời khắc phục tình trạng trên. Về lâu dài, đơn vị sẽ phối hợp cùng các ngành như: điện lực, nước, viễn thông... cùng thi công mặt đường một lúc, tránh trường hợp đơn vị này mới đào xong lại đến đơn vị khác đào lại, gây mất mỹ quan. Mặt khác, khi phát hiện đơn vị nào có vi phạm, sở cũng sử dụng biện pháp chế tài mạnh như: dừng, cấm thi công tiếp công trình giao thông đó, cấm hành nghề đối với các cán bộ, nhân viên của đơn vị giao thông có vi phạm…
Trong khi đó, đề cập đến các vi phạm của Công ty cổ phần Con Cưng, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, qua kiểm tra các sản phẩm của Công ty cổ phần Con Cưng (Con Cưng), ngành chức năng bước đầu xác định có một số vi phạm như: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latinh; có giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hóa; bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc…
Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, tinh thần xử lý vi phạm của Con Cưng là làm đến đâu xử lý đến đó và kiên quyết xử lý để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng. |
“Hiện nay, các cơ quan liên ngành mới đang tạm giữ hàng hóa để kiểm tra, xác minh nguồn gốc sản phẩm chứ chưa tịch thu sản phẩm của công ty này. Khi nào kiểm tra xong, chúng tôi mới có công bố chính thức về các vi phạm của Con Cưng. Tinh thần xử lý vi phạm của vụ Con Cưng là làm đến đâu, xử lý đến đó và kiên quyết xử lý để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng”, vị đại diện này cho biết thêm.
Nhận định về việc buông lỏng quản lý hàng hóa để xảy ra vụ Con Cưng, Khai Silk..., theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, hành vi của Công ty cổ phần Con Cưng là không thể chấp nhận được, bởi nó ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập, nếu hàng hóa có dấu hiệu gian lận, vi phạm sở hữu trí tuệ được các nước biết tới như hai vụ Con Cưng, Khai Silk sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vị thế của Việt Nam.
“Ở góc độ quản lý nhà nước, phải nhìn nhận chúng ta quản lý chưa tốt nên mới có các vụ việc gian lận thương mại xảy ra, ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Thứ hai là do chế tài xử lý gian lận thương mại, hàng gian hàng giả của chúng ta chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn vi phạm. Thứ ba là người thi hành pháp luật, các lực lượng quản lý thị trường chưa đủ lực chống hàng gian, hàng giả nên mới có chuyện có trung tâm lớn, chợ nổi tiếng của thành phố vẫn là nơi tiêu thụ hàng gian, hàng giả. Để xử lý vấn đề này, chúng ta cần chủ động kiểm tra, rà soát sớm để răn đe doanh nghiệp trước, tránh để sự việc đi quá xa như Con Cưng, Khải Silk… Việc tăng cường quản lý, đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, các cơ quan quản lý phải làm với tinh thần đến nơi đến chốn và triệt để xử lý để đủ sức răn đe”, ông Hoan cho biết.