Đến nay, có 269 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (của 33 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện); bổ sung thêm một ngành nghề “Đăng kiểm tàu cá” đã được quy định tại Điều 68 Luật Thủy sản, Điều 56 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cập nhật các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức rà soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp, phục vụ xây dựng luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Bộ tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch năm 2019 đã đề ra, đồng thời đã rà soát và công bố Danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với tổng số 386 thủ tục hành chính. Số thủ tục hành chính được cắt giảm so với trước đó là 122 thủ tục; đạt tỷ lệ cắt giảm 24%.
Lũy kế đến nay, Bộ đã cắt giảm 276/326 điều kiện đầu tư (bãi bỏ 139, sửa đổi 137 điều kiện), đạt tỷ lệ 84,6%. Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh ước tính tiết kiệm được 233.790 ngày công, tương đương 32 tỷ đồng/năm.
Các thủ tục hành chính đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành cũng được rà soát để chuẩn hóa. Bộ Nông nghiệp đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng (đạt 77%)...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giao một đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm hàng hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 3 thông tư: Thông tư 34/2018/TT-BNNPTNT; Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT; Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT) quy định việc thực hiện các TTHC liên quan tới kiểm tra chuyên ngành.
Đến nay, các đơn vị thuộc Bộ là Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật đã rà soát, xây dựng quy trình triển khai theo Cơ chế một cửa quốc gia.
Bộ đang thực hiện nghiên cứu, xây dựng giải pháp kỹ thuật kết nối đồng bộ hệ thống VNACC/VCIS và tất cả các thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vào Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.