Ra mắt nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đầu tiên Việt Nam

Ngày 24/4, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp phát điện (Nhà máy Nedo) đầu tiên của Việt Nam đã được khánh thành, đưa vào sử dụng, hòa lưới điện quốc gia.

Dự án Nhà máy Nedo được xây dựng trên diện tích 16.809m2 thuộc địa bàn xã Nam Sơn (Sóc Sơn) với tổng mức đầu tư trên 645 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ viện trợ không hoàn lại của Tổ chức Phát triển Công nghệ công nghiệp và Năng lượng mới - Nhật Bản khoảng 472 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố Hà Nội khoảng 173 tỷ đồng.

Toàn cảnh hệ thống xử lý rác thải công nghiệp phát điện tại Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Mạnh Khánh-TTXVN

Sau 22 tháng thi công, ngày 16/9/2016 , Nhà máy Nedo đã hoàn thành phần xây dựng, lắp đặt dây chuyền kỹ thuật và được đưa vào vận hành thử nghiệm. Toàn bộ thiết bị và công nghệ vận hành của Nhà máy đều do Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) cung cấp và chuyển giao. Phía Việt Nam, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội thực hiện xây dựng phần móng, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật có liên quan, lắp dựng; đưa vào sử dụng dây chuyền công nghệ dưới sự giám sát và đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản.


Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến của Nhật Bản với công suất 75 tấn/ngày. Đây được đánh giá là dự án tiên phong trong quy trình xử lý rác thải công nghiệp hiện đại chưa từng có tại Việt Nam và khu vực.


Ngày 16/3 vừa qua, Nhà máy đã sản xuất được khoảng 1,93MW điện đầu tiên, trong đó hòa thành công vào lưới điện quốc gia 1,20MW; số điện năng còn lại được sử dụng phục vụ cho chính hoạt động sản xuất của nhà máy. Hiện tại, Nhà máy Nedo đã hoàn toàn đáp ứng các điều kiện nghiệm thu của nhà sản xuất và các tiêu chuẩn hiện hành, sẵn sàng thực hiện sứ mệnh đặc biệt của mình với môi trường.


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, đây không chỉ là công trình đầu tiên của Việt Nam và khu vực biến chất thải thành điện năng mà còn là công trình tượng trưng cho tình hữu nghị đặc biệt của hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản; là một trong những bước tiến quan trọng của nỗ lực bảo vệ môi trường, tái chế chất thải cho mục đích phát triển công nghiệp của Hà Nội”. Dự kiến, tháng 10 tới, Nhà máy sẽ được bàn giao hoàn toàn cho Công ty Môi trường đô thị Hà Nội quản lý, vận hành.


Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản Bản tại Việt Nam Yoshito Nakajima cho biết, nhà máy có ý nghĩa không chỉ đối với Hà Nội, tuy nhiên để nhân rộng mô hình đốt rác phát điện Việt Nam cần thay đổi, hoàn thiện một số khung pháp lý để các địa phương dễ triển khai. Phía Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam thực hiện các dự án cải thiện môi trường kết hợp năng lượng.


Mạnh Khánh (TTXVN)
Nâng cao nhận thức của người dân về xử lý chất thải nguy hại
Nâng cao nhận thức của người dân về xử lý chất thải nguy hại

Ngày 9/4, tại Cung Văn hóa Lao động, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội Tái chế chất thải lần 10 năm 2017 với chủ đề “3T trong sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN