Theo ông Lương Văn Cảnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, thời gian qua, người dân phản ánh nhiều về tình trạng đầu nguồn xả thải, nước thải từ các làng nghề, các trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất xả thẳng ra hệ thống Bắc Hưng Hải gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến dòng chảy hệ thống.
Ông Cảnh đề nghị Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cần có giải pháp điều tiết hợp lý, quan tâm đến các khu vực hạ lưu, tạo điều kiện để thau rửa hệ thống khu vực này trước khi lấy nước đổ ải. Với tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước, cần có các giải pháp căn cơ từ chính quyền các địa phương trong lưu vực của hệ thống như quyết liệt xử lý những cơ sở vi phạm xả thải ra hệ thống không qua xử lý, đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung và dọc tuyến. Đối với Hải Dương, tỉnh đã và đang rất quan tâm vấn đề xử lý nước thải và coi đây là nhiệm vụ sẽ ưu tiên vốn đầu tư công để xây dựng.
Ông Nguyễn Đức Lư, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng nhìn nhận, những năm gần đây, ô nhiễm nước trong hệ thống đang là một bất cập, công ty thường xuyên phải xả nước để thau rửa hệ thống. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý chủ trương xây dựng, nâng cấp cụm công trình đầu mối trạm bơm Xuân Quan để góp phần cải thiện tình hình. Tuy nhiên, trước mắt, để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước sông Bắc Hưng Hải, đơn vị đề xuất các công ty khai thác công trình thủy lợi kiến nghị với địa phương giám sát chặt chẽ việc xả thải của các cơ sở.
Tỉnh Hải Dương có 35.000 ha diện tích lúa Đông Xuân trong lưu vực điều tiết nước của hệ thống Bắc Hưng Hải. Để đáp ứng kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022, tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành lấy nước phục vụ đổ ải trong 2 đợt xả nước của các hồ thượng lưu.
Theo dự báo, vụ Đông Xuân 2021 - 2022 có xu hướng nhiệt độ trung bình thấp hơn so với vụ Đông Xuân 2020 - 2021 và cao hơn trung bình nhiều năm, sẽ có từ 4 đến 6 đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên 2 ngày, khó khăn về nguồn nước tưới. Lượng nước thượng nguồn về các sông trong tỉnh Hải Dương tiếp tục giảm so với trung bình nhiều năm. Các xã khu vực hạ lưu như Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cần đề phòng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và thời kỳ xâm nhập mặn mạnh nhất dự kiến tháng 12/2021 và tháng 1/2022.
Đại diện Chi cục Thủy lợi, Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác công trình thủy lợi các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh đã thảo luận và đi đến thống nhất phương án về việc điều hành hệ thống để phục vụ tốt nhất cho sản xuất.
Để chủ động nguồn nước phục vụ tốt sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đề nghị các công ty khai thác công trình thủy lợi tiến hành nạo vét cửa khẩu kênh ngoài Xuân Quan, giải phóng ách tắc trên các trục chính xong sớm trước 30/12/2021. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, mở cống trữ nước đúng kế hoạch, ngoài việc tận dụng nguồn nước của sông Hồng lấy qua cống Xuân Quan. Các công ty tăng cường kiểm tra chất lượng nước tại Cầu Xe, An Thổ tận dụng thủy triều để lấy nước ngược, bổ sung nguồn nước tưới cho hệ thống; phối hợp với các địa phương quản lý chặt nguồn nước, quản lý điều hành cống Xuân Thụy để vận hành cống Xuân Thụy hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm nước trong hệ thống, nhất là giai đoạn điều tiết nước từ các hồ thượng lưu.
Ngoài ra, các địa phương chủ động lấy nước, trữ nước theo yêu cầu, tu sửa và nạo vét cửa cống, kênh dẫn xong trước 30/12/2021; quan tâm việc vận hành lấy nước từ các cống dưới đê sông ngoài và trạm bơm nước từ sông ngoài để bổ sung nguồn nước tưới.
Các địa phương, đơn vị thống nhất đề xuất phương án thời gian 3 đợt xả nước từ các hồ thượng lưu. Cụ thể: Đợt 1 là 4 ngày từ 3/1 đến 6/1/2022; Đợt 2 gồm 8 ngày từ 15/1 đến 22/1 và đợt 3 gồm 6 ngày từ 13/2 đến 18/2.