Dự án dự kiến hoàn thành theo hợp đồng gần cuối tháng 11/2021, hiện nay các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục cuối cùng của công trình.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 gồm các hợp phần như: Hợp phần xây dựng; hợp phần sinh kế, các hoạt động phi công trình và 8 cống dọc tuyến huyện An Biên - An Minh; hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện nay, hợp phần xây dựng cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, trong đó, cống Cái Lớn quy mô công trình gồm 11 khoang cống và 1 âu thuyền rộng 15 m, tổng chiều rộng thông nước 455 m. Hiện nay, khối lượng thi công đạt trên 98%, công trình thi công theo hợp đồng hoàn thành ngày 20/11, nhưng đến nay cơ bản đã xong, dự kiến sẽ sớm hơn.
Cống Cái Bé quy mô công trình gồm 2 khoang cống, 1 âu thuyền rộng 15 m, tổng chiều rộng thông nước 85 m, đến ngày 20/10, toàn bộ công trình đã hoàn thành phần thi công. Đối với cống Xẻo Rô quy mô công trình gồm 2 cống hở tại hai đầu âu kết hợp phần buồng âu, tổng chiều rộng thông nước 41 m, hiện nay khối lượng thi công đạt trên 95%, dự kiến công trình hoàn thành đúng theo hợp đồng ngày 5/11.
Theo Ban quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xác định đây là dự án lớn, sau khi hoàn thành giúp 5 tỉnh là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang được hưởng lợi. Vì vậy, được sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Kiên Giang, đơn vị đã phối hợp với các nhà thầu nỗ lực tối đa để hòa thành đúng theo tiến độ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19 kéo dài. Bù lại, đơn vị được sự giúp đỡ nhiệt tình của UBND tỉnh, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh…
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và chủ động trong sản xuất ở khu vực thượng lưu cống; các địa phương trong vùng không phải triển khai đắp các đập tạm ven sông như hàng năm để phòng chống xâm nhập mặn góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, khi hoàn thành toàn bộ dự án sẽ kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái: ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó vùng U Minh Thượng là 214.451 ha.
Ban quản lý Đầu tư xây dựng Thủy lợi 10 cho biết, khi công trình đưa vào vận hành sẽ kiểm soát ổn định các vùng kinh tế, như kiểm soát được độ mặn, ngọt phù hợp các mô hình sản xuất trong vùng dự án. Với sự nỗ lực của các đơn vị, cống Cái Bé đã được vận hành từ tháng 2/2021 - vượt kế hoạch sớm hơn một mùa khô, giúp Kiên Giang kiểm soát mặn, ngọt cho khoảng 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trong mùa khô 2020 - 2021.
Dự án khi đưa vào vận hành sẽ kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát mặn, phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang. Qua đó, giúp các địa phương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm thiệt hại cho các mô hình sản xuất của người dân trong vùng do hạn mặn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.