Nhiều công trình thủy lợi bị xâm hại
Công trình hồ thủy lợi Tuyền Lâm (Phường 3, thành phố Đà Lạt) được xây dựng từ năm 1981. Sau nhiều năm hoạt động, công trình có dấu hiệu xuống cấp ở nhiều hạng mục, thấm nước ở thân đập. Không những vậy, hồ thủy lợi có dung tích thiết kế khoảng 27 triệu mét khối này còn bị xâm hại, vi phạm trong phạm vi bảo vệ hồ tại khu vực tràn, mặt hồ… suốt thời gian qua.
Ông Lê Chí Tuệ, Tổ trưởng Tổ quản lý hồ Tuyền Lâm cho biết, công trình có tuổi thọ hơn 30 năm này mới được nâng cấp một lần vào năm 1995. Trước đây, công trình xây dựng thủ công nên đang xảy ra tình trạng thấm nước, rất nguy hiểm. Trong mùa mưa bão, các nhân viên theo dõi 24/24 giờ, nếu chân đập bị thấm, xì nước thì phải báo cáo cấp trên xử lý.
Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 707 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện mới xử lý 141 trường hợp vi phạm, 566 trường hợp chưa xử lý do việc quản lý hồ sơ thu hồi, đền bù giải tỏa đất ở cấp huyện bị thất lạc, ranh giới nhiều công trình thủy lợi với diện tích đất của người dân vẫn chưa được cắm mốc, xác định cụ thể. Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi được người dân hiến đất xây dựng từ lâu, song chưa điều chỉnh trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó xử lý.
Theo ông Nguyễn Hà Lộc, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, đơn vị đã tổ chức 5 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng các huyện Di Linh, Lâm Hà và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đơn Dương. Chi cục này cũng tham mưu, đôn đốc các địa phương, đơn vị kiểm tra, xử lý lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi trong thời gian qua.
Cần hơn 700 tỷ đồng đảm bảo an toàn hồ, đập
Lâm Đồng là địa bàn thuần nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 432 công trình thủy lợi đã đưa vào hoạt động, trong đó có 222 hồ chứa, 87 công trình dâng nước, 19 trạm bơm, 92 đập tạm và 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.200km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 43.000 ha đất canh tác.
Qua rà soát của ngành Nông nghiệp, đến tháng 9/2021, trong số 222 hồ chứa thủy lợi có 59 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp hiện chưa được thi công nâng cấp sửa chữa. Hầu hết các công trình bị hư hỏng tại nhiều hạng mục như sạt trượt mái, thấm, thiếu tràn xả lũ, cống thoát nước… tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố.
Ông Lê Hồng Quang, Phó Trạm trưởng Trạm Quản lý, Khai thác Thủy lợi huyện Đơn Dương cho biết, các hồ đập trên địa bàn huyện đa phần được xây dựng từ lâu nên trong quá trình vận hành, đơn vị luôn cử 2-3 cán bộ cùng theo dõi một công trình, qua đó phát hiện những dấu hiệu, hiện tượng bất thường của công trình, đập, tràn, cống… để báo cáo lãnh đạo ngành kiểm tra và xử lý kịp thời, đặc biệt trong thời gian cao điểm mùa mưa bão hiện nay.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong số 59 công trình thủy lợi bị xuống cấp, hiện mới có 10 công trình được bố trí vốn và đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, 2 công trình đã được đưa vào kế hoạch phân bổ vốn, còn 47 công trình chưa có kinh phí thực hiện.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng, nâng cấp đối với các dự án đã được bố trí kinh phí. Đồng thời, tỉnh tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ thủy lợi về lập kiểm định an toàn hồ đập, quy trình vận hành hồ chứa, biện pháp ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình hình khẩn cấp…
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh bố trí kinh phí hơn 600 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đối với 47 hồ đập bị hư hỏng, nguy cơ cao mất an toàn trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ kinh phí để thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, với kính phí gần 120 tỷ đồng.