Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá cả tăng trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào nhóm hàng thiết yếu, không chỉ tác động mạnh tới những đối tượng có thu nhập thấp, ít có khả năng chống đỡ với giá cả mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bài 2: Linh hoạt đối phó với lạm phát
Các bà nội trợ phải đắn đo khi đi chợ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Phải biết cách chi tiêu
Bác Nguyễn Thị Loan, một cán bộ về hưu ở phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cho biết, đã mấy tháng nay, các mặt hàng gạo, thịt, rau… đã âm thầm tăng giá, trong khi đó tiền lương không tăng nên cuộc sống ngày càng khó khăn. "Trước đây, tiền chợ cho mỗi bữa cơm của 4 người như gia đình tôi thường khoảng 60.000 đồng là đã khá tươm tất. Nhưng nay, để có bữa cơm như vậy, phải tốn thêm khoảng 20.000 - 30.000 đồng bởi các nhu yếu phẩm như gạo, thịt, dầu ăn, rau... đã đồng loạt tăng giá. Như vậy, chi phí tăng thêm cho việc đi chợ hàng tháng đã lên tới cả triệu đồng”.
Để thích ứng với giá cả tăng, giải pháp được bác Loan áp dụng là cắt giảm bớt các khoản chi tiêu. Thậm chí, "nghe tin giá hàng hóa trong diện bình ổn ở siêu thị rẻ hơn ở ngoài chợ, tôi đang tính sẽ chịu khó đi mua hàng ở siêu thị, xa hơn, mất thời gian hơn so với đi chợ ở gần nhà nhưng cũng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền”.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống luôn dẫn đầu về mức tăng giá trong các tháng gần đây, trong khi nhóm hàng này lại chiếm tới 40% trong cơ cấu tiêu dùng của người dân nên lạm phát có xu hướng tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân cư, nhất là những người có thu nhập thấp, phải chi tiêu nhiều cho các nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, nhiều gia đình "thực hành chính sách" cắt giảm chi tiêu, tìm kiếm nguồn cung hàng hóa giá rẻ hơn hoặc chấp nhận "thắt lưng buộc bụng”.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, những người chỉ sống trông vào tiền lương sẽ bị ảnh hưởng nhất khi giá cả cao bởi tiền lương hay thu nhập định kỳ chỉ được điều chỉnh theo từng thời điểm nhất định, giá cả cao sẽ làm mức thu nhập thực tế của người lao động bị giảm do lương không theo kịp giá. Do vậy, cùng với các biện pháp kiểm soát giá cả, Nhà nước nên tăng cường các chính sách an sinh xã hội.
Tính toán hợp lý để giảm chi phí
Bên cạnh giải pháp bình ổn giá, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thả nổi lãi suất để kiềm chế đà tăng của lạm phát. Song hệ lụy của nó lại là mặt bằng lãi suất trên thị trường được đẩy lên một mức mới, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, diễn biến tăng của lạm phát cùng các chính sách kiềm chế lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp trong thời kỳ lạm phát cao không chỉ đối mặt với giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất (giá nhân công, nhiên liệu tăng) mà họ còn phải đối phó với mặt bằng lãi suất cao. Từ dẫn chứng về việc Hiệp hội thép Việt Nam mới đây công bố có doanh nghiệp thép đã phải đi vay đầu tư cho sản xuất kinh doanh với lãi suất lên tới 18 - 20%/năm, ông Kiêm nhận định: "Do khả năng cạnh tranh kém, công nghệ sản xuất lạc hậu, hao tốn nhiều nguyên nhiên liệu..., lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam bình quân chỉ vào khoảng 18 - 20%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay bị đẩy lên cao, thậm chí "ăn" hết cả lợi nhuận của doanh nghiệp nên tình hình rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, thậm chí đình đốn sản xuất. Doanh nghiệp "liều" vay với lãi suất cao thì rủi ro sẽ rất lớn".
Tổng Giám đốc Công ty bánh cao cấp Bảo Ngọc, ông Nguyễn Xuân Khóa, cho hay, lạm phát tăng cao tác động rất mạnh với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bánh, kẹo, thực phẩm. Bởi, lãi suất vay tăng trong bối cảnh mặt hàng đường trong nước liên tục sốt giá thời gian qua và một số nguyên liệu đầu vào chính yếu cũng đội giá, đã khiến giá sản phẩm đầu ra của nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng lên. “Trước đây, chúng tôi vay ngân hàng lãi suất cao nhất cũng chỉ 12%/năm, nay lãi tăng gấp rưỡi thì xem như lợi nhuận chẳng còn. Để xoay sở, chúng tôi phải áp dụng một số giải pháp, như giảm số lượng những mặt hàng không hút khách để tập trung sản xuất những mặt hàng được ưa chuộng. Thực hiện giảm chi phí ở phần này để bù sang phần khác. Thậm chí phải tăng cả giá bán sản phẩm dù biết rằng, sức mua với sản phẩm có thể giảm đi".
Thu Hường
Kỳ cuối: Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát