Quyết liệt kiềm chế lạm phát(Bài cuối)

Lạm phát của Việt Nam so với các nước đang ở mức quá cao, gây "sức ép" rất lớn với Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành, Chính phủ phải tiếp tục kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, kể cả chấp nhận đánh đổi lạm phát trong ngắn hạn.

Bài cuối: Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát

Hoạt động kho quỹ tại Hội sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank). Ảnh: Trần Việt-TTXVN


Chấp nhận lạm phát ngắn hạn

Để chống lạm phát, biện pháp quan trọng mà cả thực tiễn và lý luận đều đã chứng minh là phải thắt chặt tài khóa (các khoản chi tiêu) và thắt chặt tiền tệ (cung tiền). “Trong ngắn hạn không thể có mục tiêu hoàn hảo. Để kiềm chế lạm phát và đạt được mục tiêu lớn là ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ phải được thắt chặt và nhiều khi phải chấp nhận đánh đổi lợi ích của một số doanh nghiệp”, Tiến sĩ Thành khẳng định.

Với đặc thù “cơ thể” kinh tế hiện chưa thể “hấp thụ” vốn hiệu quả, việc tăng cung tiền đã đẩy đồng Việt Nam mất giá nhiều hơn so với các đồng tiền khác, dẫn tới “vòng xoáy” USD, vàng… Bên cạnh đó, với đặc điểm nhập siêu lớn, khi tăng cung tiền đồng, tiền đồng sẽ mất giá so với USD, dẫn tới vòng xoáy lạm phát. Đặc biệt, với kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư công, tình hình lạm phát hiện nay là do áp lực của tổng cầu bao gồm đầu tư và tiêu dùng.

Theo ông Thành, lạm phát hiện nay chính là kết quả của sự thiếu kiên định trong điều hành vĩ mô. Kết thúc 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế vừa mới có dấu hiệu “sáng sủa” đã vội vã quay sang nới lỏng tiền tệ. Việc CPI của tháng 9, 10, 11 liên tiếp lập kỷ lục tăng cao nhất so với các tháng cùng kỳ của 10 năm trở lại đây là bài học thực tiễn sâu sắc giúp Việt Nam nhìn nhận thẳng thắn hơn về điều hành vĩ mô. “Không phải cứ vì doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất cao thì nới lỏng tiền tệ”, ông Thành nói.

Hướng tới mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô”

Theo ông Thành, để ổn định kinh tế vĩ mô thì giải pháp phải xuất phát từ chính sách kinh tế vĩ mô. Chính sách bình ổn giá chỉ là tình thế, không phải là mấu chốt, nhất là khi Việt Nam đang thực hiện các cam kết WTO và nền kinh tế thị trường, trong khi ngân sách quốc gia còn khó khăn.

Tiến sĩ-chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) chỉ rõ: Các biện pháp ngăn ngừa lạm phát cao nên bắt nguồn từ việc xác định nguyên nhân gây ra. Thực chất của việc kiềm chế lạm phát đang nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô. Để xảy ra lạm phát cao rồi mới triển khai bình ổn giá sẽ không mang lại hiệu quả bởi qui mô hỗ trợ còn nhỏ và đối tượng lại hạn chế. Ví dụ rõ nhất là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều triển khai bình ổn giá nhưng giá cả vẫn tăng “chóng mặt” ở các chợ bên ngoài “điểm bình ổn”.

Theo dự báo mới nhất của nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế thế giới, nhất là khu vực châu Á năm 2011 sẽ thấp hơn năm 2010. Vì vậy, khi tăng trưởng của các nước đối tác của Việt Nam bị giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Khó khăn sẽ còn được cộng hưởng thêm bởi nền kinh tế bị "đô la hóa" và "vàng hóa" cao.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, năm 2011, với mục tiêu GDP tăng khoảng 7%, Việt Nam khó có thể giảm ngay mức lạm phát từ trên dưới 10% của năm 2010 xuống mức an toàn 4 - 5% bởi việc “hạ độ cao đột ngột” như vậy sẽ gây ra cú sốc với nền kinh tế do chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ. Vì vậy, mục tiêu giữ lạm phát ở mức khoảng 7% trong năm 2011 có vẻ khả thi.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn này, giải pháp hết sức quan trọng với Việt Nam là kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát để giúp tăng trưởng tốt trong dài hạn. Đây phải là tư duy nhất quán, thường trực trong điều hành.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có thể áp dụng một vài biện pháp kỹ thuật như phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thắt chặt chính sách tài khóa có thể thực hiện đồng thời với chính sách tiền tệ linh hoạt và ngược lại. Nếu thực thi chính sách tài khóa nghiêm khắc theo hướng hạn chế chi tiêu và chi tiêu hiệu quả thì có thể tạo ra dư địa tốt hơn cho chính sách tiền tệ.

"Mục tiêu kiềm giữ lạm phát cả năm ở mức một con số là rất khó thực hiện và lạm phát năm 2010 tác động bất lợi cho năm 2011 đang “lộ diện”. Tuy nhiên, thông điệp được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đưa ra đã bắt đầu theo quỹ đạo chấp nhận tăng trưởng thấp hơn để đảm bảo phát triển ổn định trong dài hạn. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ quyết tâm dám cải tổ để đạt được ổn định thực sự", ông Thành bày tỏ lạc quan.

Nguyễn Kim Anh

Quyết liệt kiềm chế lạm phát(Bài 2)
Quyết liệt kiềm chế lạm phát(Bài 2)

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá cả tăng trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào nhóm hàng thiết yếu, không chỉ tác động mạnh tới những đối tượng có thu nhập thấp...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN