Quyết liệt kiềm chế lạm phát(Bài 1)

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2010 đã tăng 1,86% so với tháng 10. Với cú "nhảy vọt" này, CPI bình quân 11 tháng của năm 2010 đã tăng 8,96% so với cùng kỳ và mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 8% đã bị bỏ xa, thậm chí mục tiêu giữ mức tăng CPI ở mức một con số cũng rất khó khăn. Diễn biến lạm phát tăng cao đòi hỏi phải có những biện pháp linh hoạt và quyết liệt để ứng phó.

Bài 1: Nhận diện xu thế giá

Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại một siêu thị bán lẻ của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Giá tiêu dùng đã biến động khá mạnh trong những tháng qua. Sau khi tăng cao trong quý I/2010 (theo quy luật hằng năm), CPI đã tăng chậm lại trong quý II/2010 và tháng 7 - 8 của quý III/2010. Nhưng trong 3 tháng gần đây, chỉ số giá hằng tháng lại tăng liên tiếp với mức tăng đều đạt mức "kỷ lục" so với cùng kỳ của hằng tháng hàng chục năm qua (tháng 9 tăng 1,31%, tháng 10 tăng 1,05% và tháng 11 tăng 1,86%).

Nhiều yếu tố tác động

Trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, khi nói về việc giá cả có xu hướng tăng cao trở lại trong những tháng gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, về nhân tố bên ngoài, nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng giá rất cao, khiến những mặt hàng nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cũng tăng mạnh, điều đó ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Sức mua thị trường nội địa lớn, giá lương thực tăng cao; năm nay có nhiều ngày lễ lớn, cũng dẫn đến chi phí về vận tải, sinh hoạt tăng lên. Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đôla Mỹ (USD) được điều chỉnh là nhân tố khiến mặt hàng nhập khẩu tăng giá, đẩy chi phí đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết và dịch bệnh trong thời gian vừa qua cũng tác động bất lợi tới diễn biến giá cả. Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng theo thị trường như than cho sản xuất giấy, phân bón, xi măng... cũng tác động làm cho giá cả tăng nhanh hơn.

Cùng chịu tác động của bối cảnh giá cả thế giới tăng nhưng lạm phát của nước ta còn "nóng" hơn các nước, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, còn do một số nhân tố nội tại của nền kinh tế. Đó là năng suất ở một số lĩnh vực sản xuất vẫn còn thấp, chi phí cao dẫn đến giá thành cao, thậm chí có không ít mặt hàng của ta chất lượng cũng chưa bằng hàng ở bên ngoài nhưng giá lại cao hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các cách lý giải trên không sai nhưng còn thiếu nguyên nhân chủ quan là do tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ. Sau khi lạm phát có xu hướng giảm vào quý II, việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến lãi suất cho vay hạ, kéo theo đó là lượng tín dụng tăng, tổng lượng tiền trong lưu thông tăng và đó là một trong những nguyên nhân gây tăng giá.

CPI vượt mức một con số?

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu muốn giữ mức tăng CPI cả năm ở ngưỡng một con số, thì CPI tháng 12 chỉ “được phép” tăng 0,4%. Điều này khó khả thi trong tình thế hiện nay. Bởi trong 3 tháng gầy đây (tháng 9, tháng 10, tháng 11), CPI tăng liên tục và tháng sau cao hơn tháng trước. Diễn biến này cho thấy sẽ khó mà “hãm phanh” ở mức thấp ngay được trong tháng 12 này. Dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về tình hình thị trường hàng hóa tháng 12, tháng quyết định tới "vận mệnh" của CPI cả năm, cũng cho thấy có nhiều áp lực tăng giá do nhu cầu hàng hóa tăng cao theo quy luật (cho nhu cầu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu), đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm vẫn còn cao. Cung tiền tháng 12 dồi dào hơn để thanh toán hợp đồng kinh doanh, chi trả lương thưởng, chuẩn bị hàng Tết... cũng sẽ tác động mạnh tới thị trường.

Ngay cả những chuyên gia kinh tế thận trọng cũng nhận định rằng giữ được mục tiêu mức lạm phát cả năm tăng ở mức một con số sẽ rất khó khăn. Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự báo: "Khó mà kìm giữ CPI chỉ ở mức một con số. Chỉ số lạm phát của năm 2010 dừng ở một hay hai con số giờ không còn quan trọng nữa, mà điều cần thiết phải làm hiện nay chính là tìm cách đưa ra những biện pháp kịp thời để giảm thiểu những hệ hụy của lạm phát cao đối với đời sống nhân dân".

Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa tốt đã tạo cơ hội cho các hành vi tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”. Thực tế là, diễn biến tăng giá cả ở các địa phương thời gian qua cho thấy, mặc dù tại các chợ đầu mối, giá cả vẫn ổn định và kiểm soát được nhưng khi về đến chợ lẻ thì giá lại tăng. Có khi chỉ cần nghe dịch bệnh ở miền Trung thì thịt lợn ở miền Bắc đã tăng giá. Có khi mất mùa ở miền Nam thì ở miền Bắc, lương thực đã tăng giá... Bởi vậy, để kiềm chế CPI tháng 12, để CPI cả năm không vượt quá xa mức hai con số thì không được để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung hàng hóa, quyết liệt vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thị trường ngay tại các địa phương, ngăn chặn kịp thời các hành vi tăng giá bất hợp lý.

Thu Hường

Kỳ sau: Linh hoạt đối phó với lạm phát

Quyết liệt kiềm chế lạm phát(Bài cuối)
Quyết liệt kiềm chế lạm phát(Bài cuối)

Lạm phát của Việt Nam so với các nước đang ở mức quá cao, gây "sức ép" rất lớn với Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN