Theo đó, người lao động tự do phải nghỉ việc, mất việc làm do phải cách ly y tế hoặc ở trong các khu vực bị phong tỏa hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ được hưởng mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (số tiền hỗ trợ tối đa không quá 3,7 triệu đồng). Đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà không thuộc diện đang hưởng chế độ trợ cấp người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và bảo hiểm xã hội theo các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh sẽ được hỗ trợ một lần mức 1,5 triệu đồng/người.
Tính đến hết tháng 8/2021, Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ cho hơn 200.000 người và hơn 5.400 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh với tổng số hơn 21 tỷ đồng.
Trong đó, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Ninh đã tiếp cận, tuyên truyền, rà soát và thống kê được khoảng 1.600 doanh nghiệp, người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP. Trong đó có 24 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trên 7 tỷ đồng để chi trả lương cho gần 2.400 lượt người lao động; 18 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch có nhu cầu vay hơn 4 tỷ đồng; 2 doanh nghiệp vận tải có nhu cầu vay hơn 2,3 tỷ đồng. Đến cuối tháng 8/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Quảng Ninh đã giải ngân cho 14 doanh nghiệp với tổng số tiền 2,364 tỷ đồng để chi trả lương ngừng việc cho hơn 229 lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Hiện tại, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương cùng với với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Ninh… tiếp tục phối hợp với đơn vị rà soát, thống kê, lên danh sách những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, có nhu cầu được thụ hưởng chính sách.
Để việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 tiếp tục được triển khai nhanh chóng, kịp thời, các địa phương trong tỉnh đang cắt giảm thời gian thẩm định, giải quyết hồ sơ nhưng vẫn phải đúng theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng chính sách tiếp cận, thụ hưởng nguồn hỗ trợ theo quy định, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; đặc biệt chú ý đến việc công khai, minh bạch, không để xảy ra lợi dụng và trục lợi chính sách.