Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long đang phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 12 nhóm chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của tỉnh gặp ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quà tượng trưng cho các công đoàn cơ sở có công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, ngày 27/8. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Theo đó, qua các đợt giãn cách xã hội, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 7.100 người bán vé số với số tiền hơn 15,8 tỷ đồng và hỗ trợ cho 18.111 người lao động tự do với tổng số tiền hơn 49 tỷ đồng. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn, tỉnh đã hỗ trợ cho 13.798 hộ với tổng số tiền hơn 5,5 tỷ đồng. Tiếp nhận 2.103 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân gặp khó khăn, đến nay các địa phương đã hoàn tất việc cấp phát gạo cho hơn 73.000 người.

Song song đó, tỉnh đã hỗ trợ cho 185 hộ kinh doanh có đủ điều kiện với số tiền 555 triệu đồng; ra quyết định hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 2.500 lao động với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho hai doanh nghiệp vay gần 450 triệu đồng để trả lương ngừng việc lao động… Đối với chính sách hỗ trợ đối tượng điều trị, cách ly y tế, tỉnh đã hỗ trợ 37.000 lượt đối tượng với số tiền hơn 8,5 tỷ, hỗ trợ bổ sung và trẻ em là F0, F1 cho 462 đối tượng, số tiền 462 triệu đồng.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Khái cho biết, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, tỉnh đã cơ bản thực hiện tốt 7/12 chính sách, bao gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị mắc COVID-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.

Đặc biệt, đối với chính sách hỗ trợ lao động tự do, tỉnh triển khai nhanh và hiệu quả. Ngay khi có quyết định giãn cách xã hội, các địa phương đã chủ động rà soát để lập danh sách hỗ trợ cho người lao động. Đến nay, 100% đối tượng được quyết định hỗ trợ đều đã nhận được tiền.

Riêng 5 chính sách còn lại, gồm: hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh…tiến độ thực hiện còn chậm.

Theo ông Trần Văn Khái, Sở đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, khắc phục những hạn chế trong thực hiện các chính sách hỗ trợ này. Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và hiểu rõ, hiểu đúng nội dung, mức hỗ trợ cụ thể để không xảy ra so bì, khiếu nại.

Song song với việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long đã có công văn gửi UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp rà soát các nhóm đối tượng lao động chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ, nhằm thu thập số liệu làm cơ sở để tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chương trình, chính sách hỗ trợ khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ trẻ trong đại dịch COVID-19
Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ trẻ trong đại dịch COVID-19

Hội nghị trực tuyến đánh giá, triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ trong đại dịch COVID-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức diễn ra vào ngày 8/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN