Ưu tiên quyền lợi khách hàng
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2012 - 2015, CVTD ở TP Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh, bình quân 20%/năm, trong khi tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2012 - 2013 khoảng 8 - 9%. Giai đoạn 2014 - 2015, CVTD chiếm 6 - 8% tổng dư nợ của cả thành phố, nhưng trong năm 2016 lại có sự bứt phá mạnh mẽ. Tính đến cuối tháng 10/2016, dư nợ CVTD của TP Hồ Chí Minh là 201.000 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ, tức thị phần CVTD đã tăng gấp đôi so với 2 năm trước.
Việc siết chặt cho vay tiêu dùng trong thời gian tới sẽ làm ổn định thị trường cho vay tiêu dùng cũng như bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. |
Những con số này cho thấy, CVTD đang ngày càng phát triển mạnh. Tuy nhiên, lãi suất các khoản vay tiêu dùng của các CTTC từ 25 - 40%/năm, gây khó khăn cho người vay khi trả nợ, cũng như khó kiểm soát cho vay tín dụng từ CVTD. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017), tại khoản 1 Điều 468 quy định “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Các chuyên gia nhận định, với tình hình thực tế hiện nay thì mức quy định lãi suất trần 20%/năm đã không còn phù hợp. Chính vì vậy, việc siết chặt CVTD của các CTTC được các chuyên gia cho rằng rất cần thiết.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhu cầu về quy định có tính pháp lý đối với loại hình CVTD nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, NHNN cần có những quy định, chế tài nghiêm khắc yêu cầu CTTC minh bạch những điều khoản trong hợp đồng, lãi suất vay cho khách hàng chứ không dùng biện pháp hành chính là áp trần lãi suất.
Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, đây là lần thứ 2 NHNN tiến hành lấy ý kiến bổ sung dự thảo. So với lần 1, lần này dự thảo CVTD có nhiều nội dung chặt chẽ hơn. Theo đó, TS Tín tin rằng, sau khi ban hành những quy định mới, CVTD sẽ đem lại sự phát triển ổn định hơn cho ngành tài chính tiêu dùng. Đồng thời, khi đưa việc CVTD vào quy củ, điều này sẽ giúp cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính thống từ CTTC hơn là tín dụng đen thời gian qua; có cơ sở pháp lý rõ ràng quan hệ giữa CTTC và khách hàng trước, trong và sau khi cho vay.
Chưa đồng nhất cách tính lãi
Thực tế, dự thảo đưa ra một số chi tiết quy định liên quan đến cách tính lãi suất vay vì muốn các CTTC giảm lãi suất CVTD để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Theo đó, NHNN cũng kỳ vọng rằng, với những quy định này, CTTC sẽ chủ động giảm thiểu rủi ro tín dụng ở hình thức cho vay này, xây dựng mô hình cho vay đạt chuẩn hơn, tiết giảm chi phí hơn… tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Thế nhưng, có một điểm mà dự thảo chưa nhìn nhận ra đó là chi phí vốn của CTTC đang có sự khác biệt, thậm chí khác xa so với Ngân hàng Thương mại (NHTM). TS Bùi Quang Tín cho rằng, chi phí huy động vốn hiện nay của CTTC rất cao, trong khi đối tượng khách hàng của CTTC thu nhập trung bình thấp không ổn định, không tài sản thế chấp, kiến thức tài chính thấp, khó tiếp cận vốn của NH, khoản vay nhỏ lẻ… nên mọi chi phí rủi ro sẽ cao hơn NHTM. Điều đó lý giải vì sao có chuyện bù đắp rủi ro và chi phí hợp đồng lớn buộc CTTC phải cho vay lãi suất cao hơn.
Bà Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng thành viên Home Credit Vietnam cũng thừa nhận vấn đề trên và cho biết, dự thảo còn nhiều điểm chưa sát với thực tiễn. Đơn cử, trong dự thảo của NHNN yêu cầu các CTTC tính lãi trên số tiền nợ thực tế còn lại, tránh việc tính lãi trên tổng tiền vay ban đầu. Tuy nhiên, điều này có thể không phù hợp do thông lệ quốc tế cho thấy việc tính lãi trên dư nợ gốc ban đầu là một loại sản phẩm vẫn có thị phần.
Hay để phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng và số lượng khách hàng lớn, khoản vay nhỏ lẻ, đồng thời thuận tiện cho việc quản lý, một số CTTC không áp dụng lãi chậm thanh toán đối với nợ gốc và nợ lãi quá hạn, mà chỉ áp dụng các mức phạt vi phạm hợp đồng tương ứng với những thời hạn chậm thanh toán khác nhau. Đặc biệt, với sản phẩm lãi suất 0%, quy định này không thể áp dụng (vì lãi phạt trên gốc lẫn trên lãi chậm trả đều dựa trên lãi trong hạn, mà lãi trong hạn với sản phẩm 0% là 0%). Việc này sẽ làm mất đi ý nghĩa của các biện pháp chế tài cho những người vi phạm các cam kết tín dụng. Như vậy, chương trình cho vay trả góp 0% của các công ty sẽ bị xóa bỏ, điều này đồng nghĩa xóa bỏ cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của người dân.
TS Bùi Quang Tín nhận định, hiện nay luật đang nghiêng về bảo vệ người đi vay chứ không phải người cho vay. “Riêng phần quy định phạt trong dự thảo, đúng là chưa phù hợp với các sản phẩm lãi suất 0% mà các CTTC triển khai. Vì thế, cần tính mức phạt theo tỷ lệ % trên nợ gốc chậm thanh toán (nợ gốc quá hạn ở thời điểm hiện tại) sẽ phù hợp hơn”, TS Tín nói.