Quản lý, giám sát chặt hành trình tàu cá

Kiên Giang đang nỗ lực quản lý, giám sát hành trình tàu cá và triển khai các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017 để chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tới đây.

Chú thích ảnh
Tàu cá trên vùng biển Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Tính đến hết tháng 10/2019, Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 75,9% với tổng số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Riêng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên tỉnh đã lắp được 90,9% tổng số tàu cá có chiều từ 24m trở lên của tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết, Chi cục đã xây dựng và đang áp dụng Quy trình giám sát, xử lý tàu cá mất kết nối với hệ thống và Quy trình xử phạt vi phạm hành chính qua hệ thống giám sát tàu cá Kiên Giang.

Chi cục giám sát hàng ngày các tàu cá hoạt động khai thác trên biển và điện thoại nhắc nhở các chủ tàu cá yêu cầu các thuyền trưởng đưa tàu cá quay về khi hoạt động vượt ranh giới của vùng biển Việt Nam, hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình (mất kết nối với hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh).
 
Đối với những tàu cá đã được nhắc nhở mà chủ tàu không đưa tàu cá về vùng biển Việt Nam hay không bật thiết bị giám sát hành trình thì Chi cục Thủy sản Kiên Giang có văn bản cảnh báo gửi các chủ tàu và cơ quan chức năng phối hợp xử lý khi tàu vào bờ.
 
Để khắc phục tình trạng tàu cá mất kết nối với trạm bờ, Chi cục Thủy sản Kiên Giang thành lập 3 đoàn công tác làm việc với 160 chủ phương tiện có hơn 220 tàu tắt thiết bị giám sát hành trình để tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu chủ tàu cá ký cam kết phải bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ để kết nối với trạm bờ của Chi cục.
 
Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình thì có 8 chủ tàu ký cam kết sẽ lắp đặt. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
 
Anh Lưu Quốc Đạt, thuyền trưởng tàu KG95479 cho biết: "Bây giờ khác trước nhiều, nếu không có đủ giấy tờ là cơ quan chức năng không cho tàu cập cảng. Chúng tôi phải theo dõi, viết đầy đủ nhật ký hành trình trong quá trình khai thác trên biển. Anh em ngư dân cũng luôn ý thức tuyệt đối không khai thác trên vùng biển nước ngoài, luôn bật thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng kiểm soát".
 
Bên cạnh đó, ngành thủy sản Kiên Giang cũng ra quân tuần tra, kiểm soát trên biển, tuyên truyền và xử lý nghiêm các tàu vi phạm khai thác IUU. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra kiểm soát đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính 54 phương tiện, số tiền xử phạt gần 1,114 tỷ đồng, với các hành vi vi phạm như: khai thác sai vùng; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không có sổ nhật ký khai thác thủy sản…
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trọng Thao cho rằng, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, màn hình, sử dụng phần mềm, cố gắng kết nối các thiết bị kết nối đối với tàu cá với tỉ lệ lắp đặt cao. Việc đăng kiểm, cấp phép, chứng nhận cũng có nhiều cố gắng để xác lập các hồ sơ cơ bản về hoạt động của tàu cá.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trọng Thao yêu cầu ngành thủy sản Kiên Giang nỗ lực hơn nữa nhằm chủ động nắm bắt tình hình chung giám sát tàu cá. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản phân công nhiệm vụ, kiểm tra kiểm soát việc thực hiện giám sát tàu cá một cách hợp lý.
 
Về vấn đề hệ thống giám sát hành trình, hệ thống của Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã kết nối được hệ thống của Tổng cục Thủy sản, kiểm soát được tất cả tàu cá thuộc các tỉnh khác đang khai thác trên vùng biển Kiên Giang. Tuy nhiên, quá trình xử lý còn nhiều hạn chế, đặc biệt, những trường hợp tàu cá có thiết bị mất kết nối, thiết bị cảnh báo SOS, những phương tiện vượt ranh giới, việc xử lý còn chưa quyết liệt cao.

Do vậy, Chi cục Thủy sản Kiên Giang cần xem lại, tham mưu tốt hơn, xử lý theo thẩm quyền; nếu có khó khăn, vướng mắc cần xin ý kiến cấp trên, phối hợp với Sở Tư pháp để có những hành động cụ thể, thực hiện tốt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Hồng Đạt (TTXVN)
Việt Nam thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU
Việt Nam thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU

Ngay sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) vào ngày 23/10/2017, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục và đến nay, các nỗ lực đó đang thu được kết quả khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN