Tổng doanh thu dự kiến đạt 31.736 tỷ đồng, tăng 1.122 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2023 (năm 2023 ước đạt 30.614 tỷ đồng).
Lợi nhuận trước thuế đạt của tổng công ty đạt 995 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 824 tỷ đồng.
Với kế hoạch lợi nhuận như vậy, lợi nhuận trước thuế của PV Power năm 2024 dự kiến giảm 332 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2023 (năm 2023 ước đạt 1.327 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự kiến giảm gần 370 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2023 (năm 2023 ước đạt 1.193,9 tỷ đồng).
Với kế hoạch sản xuất kinh doanh như vậy, PV Power sẽ quản lý vận hành sản xuất, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện đảm bảo thiết bị khả dụng cao, huy động tối đa công suất, an toàn, hiệu quả các nhà máy điện và quyền lợi của cổ đông. Đồng thời, PV Power sẽ thực hiện sửa chữa định kỳ các nhà máy điện: Trung tu tổ máy số 2 của Vũng Áng 1 (tháng 9, tháng 10), trung tu Đakđrinh (tháng 7, tháng 8), tiểu tu Cà Mau 2 (quý IV), Nhơn Trạch 2 (tháng 9), Hủa Na (tháng 3, tháng 4) đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn. PV Power cũng đặt mục tiêu hoàn thành quyết toán khắc phục sự cố tổ máy số 1 nhà máy điện Vũng Áng.
Đối với dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 đang triển khai, PV Power sẽ giám sát, quản lý thực hiện hợp đồng EPC; hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án, các hợp đồng tư vấn phục vụ thu xếp vốn và các hợp đồng dự án còn lại đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu, tiến độ dự án; hoàn thành đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện (hợp đồng PPA) với Công ty Mua bán điện (EPTC); hợp đồng bán khí (hợp đồng GSA) với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS). PV Power sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đốt lửa lần đầu với Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào tháng 5/2024 và phát điện thương mại vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, theo PV Power, việc triển khai dự án điện Nhơn Trạch 3&4 vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cấp nhiên liệu đầu vào và giải toả công suất đầu ra; trong đó thách thức lớn nhất chính là chưa “chốt” được hợp đồng PPA gắn với các cam kết sản lượng điện hợp đồng dài hạn (Qc) cho dự án.
Theo Thông tư 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương “quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện”, bên mua điện chỉ “chốt” Qc chiếm khoảng 35% công suất đặt. Trong khi đó, nếu Qc chỉ chốt ở con số này sẽ đồng nghĩa với việc hiệu quả đầu tư không đạt. Vì vậy, đây chính là “nút thắt” lớn nhất không chỉ với dự án điện Nhơn Trạch 3&4 hiện nay mà còn với các dự án điện sử dụng khí LNG nhập khẩu thời gian tới như dự án điện LNG Quảng Ninh, các dự án điện LNG tại Bắc Trung Bộ của PV Power.
Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam, năm 2024, sản xuất kinh doanh của PV Power sẽ phục hồi nhưng chưa toàn diện do một số lý do. Thứ nhất, El nino sẽ chuyển sang pha trung tính nên sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động các nhà máy thủy điện, vì vậy có thể làm giảm hệ số huy động của các nhà máy nhiệt điện khí của PV Power.
Bên cạnh đó, nguồn cung khí tự nhiên cho các nhà máy điện tại khu vực Đông Nam Bộ dự báo sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2024 và những năm tiếp theo nên sản xuất điện của Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Đây sẽ là các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng và định giá cổ phiếu POW trong ngắn, trung hạn.
Tuy nhiên Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam cũng nhận định các nhà máy thủy điện Hủa Na và thủy điện Đakđrinh kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ pha trung tính. Còn Nhiệt điện Vũng Áng kỳ vọng sẽ tăng sản lượng điện sản xuất khi tổ máy số 1 có thể phát điện trọn vẹn cả năm 2024 trong khi năm 2023 tổ máy này chỉ hoạt động trong 5 tháng cuối.
Năm 2023, sản lượng điện của PV Power ước đạt hơn 14,44 tỷ kWh, bằng 93% kế hoạch năm; trong đó đóng góp lớn nhất vẫn là Nhà máy Cà Mau 1&2 với sản lượng phát điện đạt gần 5,3 tỷ kWh, theo sau là Nhà máy Vũng Áng 1 với hơn 4,3 tỷ kWh; nhà máy Nhơn Trạch 2 với gần 2,9 tỷ kWh.
Năm 2023, sản lượng điện được huy động lên hệ thống của PV Power chỉ đạt trên 50% so với công suất khả dụng của PV Power, khiến hiệu quả sản xuất điện bị giảm sút.