Phòng chống hạn, mặn: Sóc Trăng có khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng

Nắng nóng liên tục từ nhiều tháng qua tại vùng Đồng bằng sông Cửu long nói chung và Sóc Trăng nói riêng đã làm cho hạn hán, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân ngày càng nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Ngành chức năng ở tỉnh Sóc Trăng tăng cường đo mặn ở các tuyến kênh nhằm thông tin cho nông dân trong sử dụng nước tưới tiêu. Ảnh tư liệu: Tuấn Phi/TTXVN

Theo ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tại Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sớm và ở mức cao hơn so với cùng kỳ mùa khô năm 2022-2023; mặc dù chưa nghiêm trọng như xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020 nhưng dự báo tình hình nắng nóng còn tiếp tục kéo dài, nguy cơ hạn mặn tiếp tục ảnh hưởng sâu vào nội đồng trong những ngày tới là rất lớn.

Trong chuyến khảo sát thực tế tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi hạn mặn nặng như huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung mới đây, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó với cao điểm hạn, mặn, ngành nông cần quan tâm đến các giải pháp lâu dài; đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con có ý thức sử dụng nước sinh hoạt cũng như tiết kiệm nước trong sản xuất; phát huy các mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước, thực hiện thường xuyên liên tục việc rà soát, nạo vét kênh, mương để dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Theo quan trắc và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các đợt xâm nhập mặn cao nhất mùa khô năm nay trên tuyến sông Hậu tập trung trong tháng 3 và đầu tháng 4 tới với độ mặn đo được thường xuyên ở mức cao, gây khó khăn trong việc vận hành công trình thủy lợi lấy nước phục vụ sản xuất vùng Long Phú – Tiếp Nhật.

Theo đó, độ mặn cao nhất trong ngày tại khu vực cửa sông Hậu và trên sông Mỹ Thanh ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 từ: 0,9 đến 4,2‰, các điểm đo còn lại đều ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2023 từ: 0,6 đến 4,7‰. Tại các điểm đo trên sông Hậu tại Trần Đề trong những ngày gần đây độ mặn cao ở mức 22,4‰, tại Long Phú 18,4‰, tại Đại Ngãi 7,7‰, tại Rạch Mọp 4,6‰, tại Cái Trâm 1,1‰; trên sông Mỹ Thanh tại Dù Tho 8,2‰, tại Thành phố Sóc Trăng 3,1‰; trên kênh Quản Lộ Phụng Hiệp tại Ngã Năm 2,4‰.

Về thiệt hại, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, do làm sớm việc phòng, chống hạn và xâm nhập mặn từ đầu mùa khô nên ngành nông nghiệp đã chủ động tạo mọi điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân 2023 – 2024.

Số liệu tổng hợp các địa phương cho thấy, đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được 192.386 ha lúa, tăng 4,33% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, vụ Đông Xuân được 181.981 ha; vụ Mùa được 10.405 ha; đã thu hoạch được 130.405 ha, đạt 67,78% so tổng diện tích lúa đã xuống giống; sản lượng đạt được là 877.300 tấn, tăng 13,36%; trong đó, tỷ lệ lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 93,78% và sản lượng lúa đặc sản, thơm các loại chiếm 60,61% tổng sản lượng lúa, các giống lúa được gieo trồng chủ yếu như: ST, Tài nguyên, Đài thơm…

Tình hình tiêu thụ lúa có nhiều biến động, tăng, giảm tùy vào từng thời điểm nhưng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước; hiện giá lúa thường dao động từ 7.200-9.200 đồng/kg, giá lúa thơm nhẹ dao động từ 7.300-9.200 đồng/kg và giá lúa đặc sản dao động từ 8.200-11.000 đồng/kg. Giá lúa tăng cao, lợi nhuận cho người trồng cũng tăng mạnh nên bà con đã bất chấp khuyến cáo ảnh hưởng của hạn mặn để xuống giống vượt kế hoạch khoảng 6.000 ha; trong đó, ghi nhận đã có khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn. Riêng tại huyện Long Phú ở vụ Đông Xuân muộn ghi nhận có gần 600 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước và ngộ độc phèn; trong đó, ít nhất 33 ha lúa trồng muộn bị thiệt hại hoàn toàn trong giai đoạn đẻ nhánh 30-40 ngày sau sạ.

Để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng hạn, mặn xâm nhập, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã liên tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân ứng phó với xâm nhập mặn, chủ động phối hợp với Đài khí tượng thủy văn Sóc Trăng tiến hành quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch nhất là các điểm xung yếu đầu các cống đầu nguồn lấy nước phục vụ sản xuất; phối hợp với các đơn vị trong ngành có kế hoạch sản xuất đối với các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao, dịch chuyển lịch thời vụ để né mặn. 

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng yêu cầu ngành nông nghiệp thực hiện tốt việc phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trong đó, kiểm tra tình hình các cống, đê đã xuống cấp và sạt lở ở các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời bàn giải pháp khắc phục, sửa chữa, điều tiết các công trình đầu mối ngăn nước và giữ nước có hiệu quả, đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin tuyên truyền, khuyến cáo đến nông dân về tình hình hạn, mặn; đồng thời, nghiên cứu lựa chọn giống cây trồng có hiệu quả kinh tế phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, chịu hạn mặn để triển khai đến hộ dân…

Trung Hiếu (TTXVN)
Tích trữ và khai thác hiệu quả nguồn nước giúp thích ứng xâm nhập mặn
Tích trữ và khai thác hiệu quả nguồn nước giúp thích ứng xâm nhập mặn

Trữ nước và khai thác hiệu quả nguồn nước đang là giải pháp giúp cho các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể sống chung với hạn hán và xâm nhập mặn, thích ứng với các tác động biến đổi khí hậu, phát triển thượng lưu hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN