'Vương quốc' sầu riêng Tiền Giang ứng phó với xâm nhập mặn

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, Đồng bằng sông Cửu Long đã vào đợt cao điểm triều cường và xâm nhập mặn. Đây là đợt triều cường cao, mực nước các nơi dự báo cao hơn báo động 3.

Chú thích ảnh
Người dân dọn dẹp chướng ngại vật dưới lòng kênh nội đồng để trữ nước ngọt. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Tại Tiền Giang, đến thời điểm này, địa phương cơ bản thu hoạch trên 45.000 ha lúa gieo sạ trong vụ Đông Xuân. Chỉ còn lo ngại vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản phía Tây tỉnh, vốn mẫn cảm với độ mặn trong nước sẽ bị ảnh hưởng nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời.

Thông thường, triều cường kết hợp xâm nhập mặn lấn sâu theo hai hướng: Từ hạ lưu sông Tiền lên và từ hướng sông Hàm Luông phía tỉnh Bến Tre lấn qua uy hiếp gần 42.0000 ha vườn cây ăn quả tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, trong đó có gần 22.000 ha vườn sầu riêng đặc sản giá trị kinh tế cao.

Được mệnh danh “Vương quốc sầu riêng”, Tiền Giang mỗi năm cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên 400.000 tấn sầu riêng thương phẩm. Là cây trồng đặc sản giá trị kinh tế cao, trừ chi phí nông dân lãi ròng mỗi ha từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng nên Tiền Giang quyết tâm bảo vệ cho bằng được “Vương quốc sấu riêng” trước thiên tai, ổn định cuộc sống nhân dân.

Trước mắt, tỉnh đã cho đóng toàn bộ các cống ngăn mặn đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864: Cây Cồng, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đã có Công văn yêu cầu các địa phương trong vùng khẩn trương thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ tập trung ứng phó đợt cao điểm xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp lần này.

Chú thích ảnh
Người dân bơm chuyền nước từ kênh trục chính vào các kênh nội đồng. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Theo đó, ông Phạm Văn Trọng chỉ đạo các huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy triển khai nhanh các phương án ứng phó triều cường và xâm nhập mặn đã duyệt; chú trọng gia cố, tôn cao bờ bao, đê bao ngăn mặn kết hợp trữ ngọt trong ao mương vườn; vận động người dân nạo vét ao mương trữ ngọt phòng chống hạn mặn kết hợp với giữ vệ sinh nguồn nước, phòng tránh ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn nước…

Mặt khác, lãnh đạo UBND tỉnh giao UBND huyện Cai Lậy triển khai phương án vận hành 17 giếng nước tầng sâu dự phòng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phòng chống hạn mặn, bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản tại địa phương.

Thực hiện chủ trương ứng phó khẩn cấp triều cường và xâm nhập mặn theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang đã đóng toàn bộ các cống tại hai ô bao Đông và Tây Ba rày nhằm ngăn mặn và triều cường, bảo vệ trên 8.200 ha đất canh tác; trong đó, có trên 8.100 ha vườn trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có giá trị xuất khẩu cao, chủ yếu là sầu riêng của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.

Công ty này cử cán bộ theo dõi, quản lý, phối hợp cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra nguồn nước, chất lượng nước trong và ngoài ô đê bao, cập nhật diễn biến mặn trên sông Tiền và các tuyến kênh, rạch trong địa bàn kịp thời. Qua đó, có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn cho vườn cây trong hai ô bao, giảm thiểu thiệt hại.

Chú thích ảnh
Gia cố cống đập ngăn mặn để ngăn chặn nước mặn rò rỉ vào kênh trục chính. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Trước đó, bảo vệ các vùng sản xuất trọng điểm tại địa phương, trong mùa khô 2023 – 2024, Tiền Giang đã đầu tư trên 1.380 tỷ đồng làm 7 cống ngăn mặn trên đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền nhằm phòng chống triều cường và xâm nhập mặn, trữ ngọt phục vụ cho các vùng sản xuất trọng điểm: Vùng dự án Bảo Định, vùng Đồng Tháp Mười và vùng trồng sầu riêng đặc sản phía Tây tỉnh.

Theo đánh giá, các công trình thủy lợi đầu mối kể trên đang phát huy hiệu quả ứng phó thiên tai, giúp nông dân an tâm thâm canh, chăm sóc vườn cây ăn quả trong mùa khô 2023 – 2024.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, phục vụ bơm tát chống hạn, các địa phương trong tỉnh còn thi công 242 công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng với tổng chiều dài trên 355.000 m và khối lượng đất đào đắp lên đến gần 1,1 triệu m3.

Từng địa phương trong khu vực cũng chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn một cách phù hợp, hiệu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang.

Để bảo vệ 15.700 ha vườn cây ăn trái, tập trung tại các xã phía Nam Quốc lộ 1, trong đó riêng diện tích vườn chuyên canh sầu riêng trên 9.000 ha, huyện Cai Lậy có phương án đầu tư gần 5,5 tỷ đồng nạo vét 45 tuyến kênh mương nội đồng lấy nước tưới tiêu, phỏng chống hạn, có tổng chiều dài trên 46.000 m và khối lượng đất đào đắp trên 157.000 m3.

Đồng thời, địa phương cũng dành gần 21 tỷ đồng ứng phó triều cường và xâm nhập mặn gồm: Đắp 10 đập ngăn mặn, sửa chữa 44 cửa cống, thi công 8 cống mới, tổ chức các điểm đo mặn và tuyên truyền nhân dân chủ động ứng phó hạn mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Chú thích ảnh
Nông dân tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới tiêu để ứng phó hạn, mặn. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Các xã cù lao trên sông Tiền: Tân Phong và Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trong những ngày qua cũng đắp 21 đập tạm ngăn mặn ứng phó đợt triều cường và xâm nhập mặn cao điểm hiện nay, bảo vệ gần 3.000 ha vườn sầu riêng đặc sản tại địa phương.

Theo bà Võ Thị Búp, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy, trong trường hợp hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, địa phương có phương án tổ chức bơm chuyền, chống hạn bào vệ khoảng 300 ha cây ăn quả, chủ yếu sầu riêng tại các xã Phú Quí, Nhị Quí.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh rạch và trong nội đồng trong mùa khô hạn. Qua đó, kịp thời ứng phó hữu hiệu, quyết tâm bảo vệ an toàn các vùng sản xuất trọng điểm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân an cư lạc nghiệp, giảm nhẹ thiên tai.

Minh Trí (TTXVN)
An Giang quan trắc xâm nhập mặn tại 8 điểm để cảnh báo sớm
An Giang quan trắc xâm nhập mặn tại 8 điểm để cảnh báo sớm

Dự báo xâm nhập mặn vùng giáp ranh tỉnh An Giang và Kiên Giang có khả năng ở mức từ 0,1 - 0,3‰, tỉnh An Giang đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN