Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao nỗ lực của Tây Ninh trong tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng đó, ngành chăn nuôi cũng phát triển mạnh theo quy mô kinh tế trang trại khép kín, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; liên kết chuỗi sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng.
Cùng với đó, hệ thống thủy lợi của tỉnh được đầu tư hoàn chỉnh, nổi bật gần đây là công trình thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn I, đưa nước về tưới tự chảy cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp cho 9 xã biên giới thuộc 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Tây Ninh quan tâm hơn nữa và có chính sách thích hợp để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi, tái cơ cấu lại cây trồng; nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tỉnh ủy Tây Ninh có thể xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế hợp tác; trong đó, chú trọng phát triển hợp tác xã; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về kinh tế hợp tác để phát triển quy mô lớn, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh cần liên kết với Khu nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi đầu tư, hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm để phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch tại huyện Tân Châu. Sau khi dự án thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ Đông hoàn thành, tỉnh cần có hướng cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở vùng này để khai thác có hiệu quả nguồn nước, nâng cao giá trị của dự án - Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.
Riêng đối với Hồ Dầu Tiếng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, tỉnh Tây Ninh cần thành lập nhóm tư vấn, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất ý tưởng trong phối hợp để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, nâng cao giá trị.
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm chia sẻ, phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương. Tỉnh Tây Ninh mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nguồn vốn trong các dự án phát triển hạ tầng thủy lợi như triển khai giai đoạn 2 dự án thủy lợi phía Tây sông Vàm Cỏ, dự án xây mới đập bê tông hồ chứa nước Tha La, huyện Tân Châu… để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 của tỉnh đạt 26.434 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2019. Toàn tỉnh có 45/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 63,4%.
Năm 2020, Tây Ninh giảm 1.600 ha một số cây trồng đạt hiệu quả thấp như lúa, mía, cao su… chuyển sang trồng sắn và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn; chăn nuôi có chuyển biến đáng kể từ quy mô nhỏ, lẻ, kém an toàn sang chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp chiếm gần 70% so với tổng đàn.
Tỉnh định hướng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô trên vùng đất công gần 2.000 ha, gắn sản xuất với chế biến tại chỗ tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu để lập dự án kêu gọi đầu tư.