Theo ông Trương Văn Hùng, hiện trên địa bàn tỉnh có 19 giấy phép khai thác cát, trong đó trên hồ Dầu Tiếng có 16 giấy phép, trên sông Sài Gòn 1 giấy phép và Sông Vàm Cỏ Đông có 2 giấy phép với tổng trữ lượng gần 9,5 triệu m3, công suất khai thác 665.100 m3/năm.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị quản lý trực tiếp hồ Dầu Tiếng) tại Công văn số 2058/BNN-TCTL ngày 11/4/2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 751/UBND-KTTC ngày 18/4/2019 tạm ngưng hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, thời gian tạm ngưng tối thiểu là 2 tháng, kể từ ngày 20/4/2019. Sau đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra Quyết định số 1250/QĐ-UBND ngày 10/6/2019 thành lập Tổ tác nghiệp để kiểm tra, xử lý chấn chỉnh lại hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng.
Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, ngày 29/11/2019 UBND tỉnh đã có Công văn đồng ý cho Doanh nghiệp Tư nhân Hải Hà và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cát Giang được phép hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu tiếng trở lại vì 2 doanh nghiệp này đã đáp ứng đủ điều kiện quy định. Cũng trong ngày 29/11/2019, UBND tỉnh cũng có Công văn số 2683/UBND-KTTC trao đổi ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cho phép thêm 4 doanh nghiệp là Chi nhánh 2 - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Úc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quang Vinh Tây Ninh, Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Đạt, Công ty Trách nhiện hữu hạn Thương mại Dịch vụ Phú Quân được hoạt động khai thác cát trở lại trong hồ Dầu Tiếng.
"Tổ tác nghiệp cũng đang kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, tập kết bến bãi, kinh doanh cát sỏi tại sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông theo kế hoạch của UBND tỉnh", ông Trương Văn Hùng nêu rõ.
Theo quy định của UBND tỉnh Tây Ninh (cụ thể là Tổ tác nghiệp), các doanh nghiệp có giấy phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Trong đó, bến bãi tập kết cát phải được xây hồ lắng, nguồn nước từ hồ lắng thải ra ngoài phải đạt tiêu chuẩn loại A, hoặc chất lượng (nước thải) phải tương đương với nguồn nước bình thường trong hồ; doanh nghiệp có bãi tập kết cát gần bờ, đập, chân núi phải di dời để bảo đảm an toàn cho công trình hồ nước... mới được xem xét (sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hoạt động trở lại.
Theo ý kiến phản ánh của cư tri, việc tạm ngưng cho khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng khá lâu đã tạo khan hiếm nguồn cát xây dựng trong tỉnh, các doanh nghiệp lợi dụng việc này đẩy giá cát lên cao, khiến các nhà thầu xây dựng và người dân có nhu cầu xây nhà "khốn đốn" khi giá cát xây dựng hiện nay trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 600.000/m3, tăng hơn gấp đôi so với thời gian trước khi tỉnh tạm dừng khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.