Theo đó, việc khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng chỉ được tiến hành trở lại khi không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp cho mục đích sinh hoạt và đáp ứng các quy định của Luật Thủy lợi, pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và phải được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận cho khai thác cát trở lại.
UBND tỉnh Tây Ninh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, báo cáo kết quả kiểm tra cho UBND tỉnh trước ngày 10/5, để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đó, ngày 11/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 2508/BNN-TCTL đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh tạm ngừng hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng để đánh giá chất lượng nguồn nước, cũng như chất lượng công trình thủy lợi hồ đập.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, hiện trên khu vực hồ Dầu Tiếng, tỉnh đã cấp 16 giấy phép khai thác cát xây dựng, trong đó 11 giấy phép đang hoạt động (3 giấy phép bị đình chỉ, 2 giấy phép xin tạm ngưng).
Từ giữa tháng 5/2018 đến nay, Tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhiều tổ chức và cá nhân khai thác trái phép với tổng số tiền phạt trên 700 triệu đồng; phạt 150 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác trong thời hạn 9 tháng đối với Doanh nghiệp tư nhân Thành Phúc (suối Chà Và, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Long Hải Sơn, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu về hành vi khai thác không đúng trình tự, hệ thống, vị trí khai thác chưa được cấp phép; đồng thời buộc di dời 20 tàu và đề nghị phía tỉnh Bình Dương di dời 45 tàu không có giấy phép khai thác cát ra khỏi hồ Dầu Tiếng.