Phối hợp chặt để chống buôn lậu và gian lận thương mại

Tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm và gian lận thương mại đang có những diễn biến phức tạp với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn trước. Trong năm 2012, các lực lượng chức năng đã xử lý 270.000 vụ vi phạm (tăng 68.000 vụ), xử phạt và tịch thu hàng hóa trị giá 8.310 tỷ đồng (tăng 2.900 tỷ đồng so với năm 2011). Nhiều ý kiến cho rằng, để công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp ăn ý với nhau và quyết liệt vào cuộc hơn nữa.


Hàng lậu, hàng giả gia tăng


Tại Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại diễn ra ngày 30/3 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo 127/TW cho biết, hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra ngày càng nhức nhối với quy mô lớn hơn trước. Thực trạng này ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và gây mất ổn định về trật tự, an toàn xã hội.


Buôn lậu qua biên giới gia tăng


Năm 2012, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý trên 90.000 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả; trong đó có gần 15.000 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 13.000 vụ buôn bán hàng giả, kém chất lượng… với mức xử phạt, truy thu thuế và tịch thu hàng hóa giá trị 398,9 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm dầu gội đầu có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng:

Cần tạo việc làm cho người dân khu vực biên giới

Khu vực biên giới nước ta có 1.029 xã, thị trấn thuộc 49 tỉnh thành, dân số gần 8 triệu người với 49 thành phần dân tộc. Đời sống của nhân dân khu vực biên giới hiện còn nhiều khó khăn. Cuộc sống khó khăn cộng với sự thiếu hiểu biết về pháp luật là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc người dân tham gia tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua biên giới. Ngoài việc trồng ngô, trồng lúa mỗi năm hai vụ, thậm chí có những nơi chỉ có một vụ/năm thì người dân không biết làm gì vì không có ngành nghề phụ. Vì vậy, các địa phương cần tạo công ăn việc làm và tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân để họ không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an:

Rà soát doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản

Tình trạng xuất lậu khoáng sản qua biên giới thường có sự tiếp tay của doanh nghiệp xuất hóa đơn mua bán quặng nội địa và doanh nghiệp vận tải. Do vậy, Bộ Công Thương cần rà soát lại danh sách doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản; nhà máy chế biến, tiêu thụ để tránh tình trạng khoáng sản được khai thác rồi nhưng không có nơi tiêu thụ, dẫn đến doanh nghiệp phải tìm cách xuất lậu qua biên giới gây nên tình trạng “chảy máu” tài nguyên.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội:

Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng

Theo tôi, các cơ quan chức năng cần thiết lập hệ thống dữ liệu liên quan đến kết quả công tác phòng chống buôn lậu nhằm phục vụ cho công tác ngăn ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại. Các địa phương cần phối hợp xây dựng quy chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu theo từng tuyến giao thông, có chỉ huy chung toàn tuyến, giao trách nhiệm cho người có thẩm quyền cụ thể theo tuyến… Các tuyến giao thông mà phương tiện vận chuyển hàng lậu buộc phải đi qua đều có các đơn vị quản lý; nhưng thực tế cho thấy, hiện chưa có quy định về trách nhiệm thông tin, sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc phát hiện, truy bắt các đối tượng vi phạm. Đây chính là lý do khiến cho hiện tượng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được vận chuyển trên đường độc đạo nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.


Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng buôn lậu tại các khu vực biên giới đất liền cũng như biên giới trên biển đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Tại các cửa khẩu, đường biển, hàng không, đường sắt…, việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm gia tăng ở mức báo động. Các tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia, vùng biển Đông Bắc, bắc miền Trung và biên giới Tây Nam… đều “nóng” chuyện buôn lậu với các hình thức hết sức tinh vi.


Tại Quảng Ninh, tỉnh có biên giới trên bộ, trên biển và nhiều cảng biển, cửa khẩu quốc tế, quốc gia thì hoạt động buôn lậu diễn ra càng “nóng”, và phức tạp hơn. Ông Nguyễn Đăng Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, các đối tượng buôn lậu ngày càng có những thủ đoạn tinh vi hơn. Theo đó, các chủ đầu lậu ngoài biên giới và trong nội địa có sự cấu kết chặt chẽ với nhau trong việc giao nhận hàng. Trong năm 2012, Chi cục đã xử lý 300 vụ buôn bán hàng cấm, 400 vụ hàng giả, 900 vụ buôn lậu với tổng trị giá lên đến 19 tỷ đồng.


Hay tại Quảng Trị, tỉnh có tuyến biên giới trên đất liền dài 206 km, tiếp giáp với hai tỉnh Savanakhet và Salavan của Lào với hai cửa khẩu chính là Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay và 4 cửa khẩu phụ, gồm: Tà Rùng, Chenh, Thanh, Cóc, tình trạng này diễn ra phức tạp không kém. Theo Ban chỉ đạo 127 của tỉnh, năm 2012, lực lượng chức năng trên địa bàn đã xử phạt hành chính 3.000 vụ với tổng giá trị hàng hóa vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính lên tới 49 tỷ đồng.
Đặc biệt, thời gian qua, tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chung của thị trường trong nước. Vừa qua, An Giang đã thu giữ 54.000 lít, Kiên Giang 19.000 lít xăng dầu chuẩn bị xuất lậu qua biên giới. Lực lượng công an cũng đã phá thành công hai chuyên án lớn, bắt 4 tàu vi phạm quy định về tạm nhập tái xuất, thu giữ 1.650 tấn xăng, trị giá 27 tỷ đồng và bắt một tàu vận chuyển trái phép 155 tấn dầu diesel, trị giá 3,4 tỷ đồng.


Cùng với đó, tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng chưa có dấu hiệu giảm. Theo thống kê, năm 2012, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 11.000 vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ; buôn bán, vận chuyển hàng kém chất lượng, với tổng trị giá lên tới 121 tỉ đồng. Vấn đề gian lận thương mại, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng tăng mạnh so với năm trước cả về số vụ vi phạm cũng như trị giá hàng hóa.

Sẽ kiểm soát có trọng điểm


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Phó Trưởng ban chỉ đạo 127/TW cho biết, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong năm 2013 được dự báo vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, Ban chỉ đạo 127/TW và các địa phương sẽ phối hợp chặt để tập trung kiểm tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm. Theo đó, trên tuyến biên giới Việt - Trung, cơ quan chức năng sẽ chú trọng đến các địa bàn như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng; với các mặt hàng được tập trung kiểm tra là pháo, gia súc, gia cầm, hàng tiêu dùng...; tại khu vực biên giới Việt - Lào là các mặt hàng cấm như pháo, kim loại; trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia là các mặt hàng thuốc lá điếu, mỹ phẩm, rượu ngoại, xăng dầu... Trên biển, các cơ quan chức năng như: lực lượng hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng sẽ tập trung kiểm soát các mặt hàng than, khoáng sản các loại; xăng dầu..., nhất là tại các vùng biển Đông Bắc, bắc miền Trung và Tây Nam.


Bên cạnh đó, tại các địa bàn trọng điểm như: Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, lực lượng quản lý thị trường các địa phương sẽ tăng cường lực lượng ngăn chặn các hành vi như: Giấu hàng lậu trong các lô hàng phế liệu; vận chuyển hàng cấm bằng đường hàng không qua loại hình quà biếu, quà tặng; vận chuyển hàng lậu qua tuyến đường sắt Bắc - Nam.


Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 127/TW và Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt "Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại”; kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế trích lại tiền cho các lực lượng chức chống buôn lậu; kiến nghị Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ... tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả hơn.


Thu Trang


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN