Việt Nam chưa có lộ trình rõ ràng
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), xe điện là xu hướng của vận tải trong tương lai, đó là một thực tế. Chính phủ cũng đã cho thấy định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng tốt hơn cho môi trường thể hiện qua các Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng cho việc phát triển và chuyển đổi sang loại xe thân thiện với môi trường này. Chính vì vậy mà xe điện tại Việt Nam vẫn còn ít và hầu như chưa có hãng xe nào thực sự kinh doanh xe điện, ngoài VinFast.
Tại các nước phát triển về xe điện hóa, Chính phủ đều có những hỗ trợ mạnh mẽ để thúc đẩy khách hàng mua xe như ưu đãi thuế chuyển đổi xe, lệ phí trước bạ và ưu đãi khác cho người mua xe điện.
Liên quan đến câu chuyện trên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, hiện tại, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như là chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường. Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính (gồm: khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế và số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin); trong đó chính sách đóng vai trò đầu.
Đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ ra 7 yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển ngành công nghiệp xe ô tô điện tại Việt Nam, gồm thu nhập trung bình thấp, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, phạm vi hoạt động của xe điện, chính sách ưu đãi đối với ô tô điện, cơ cấu nguồn điện, tác động đối với môi trường, cạnh tranh từ các nước…
Dưới góc nhìn của nhà sản xuất và dựa trên kinh nghiệm điện hóa phương tiện vận tải của các nước cùng với căn cứ kế hoạch loại bỏ phương tiện chạy xăng ở các quốc gia dựa trên cơ cấu điện của từng quốc gia, VAMA đã đề xuất 3 kịch bản cho xe điện hóa tại Việt Nam.
Theo đó, kịch bản nhanh tương tự Thái Lan đang áp dụng là bắt đầu quá trình xe điện hoá từ năm 2025 và đạt 100% xe điện hoá vào năm 2035. Kịch bản trung bình bắt đầu quá trình xe điện hoá từ năm 2025 đến khi đạt 100% xe điện hoá vào năm 2045. Kịch bản cơ bản mà Indonesia đang áp dụng là bắt đầu quá trình xe điện hoá từ năm 2025 cho đến khi đạt 100% xe điện hoá năm 2050. Trong đó, mốc 2045 được cho là thời điểm vàng theo mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển và Việt Nam dự tính đặt mục tiêu trở thành nước trung hòa Cac-bon vào năm 2050.
Với tổng dung lượng thị trường ô tô tại Việt Nam hiện nay, VAMA đề xuất lộ trình phát triển xe điện hoá theo từng giai đoạn. Từ 2021-2030 là giai đoạn khởi đầu và sẽ đạt mức cơ giới hoá vào năm 2028 xấp xỉ 1 triệu xe các loại và xe động cơ đốt trong vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lượng xe điện hoá sẽ tăng dần lên.
Giai đoạn 2 từ 2030 - 2040 là tăng trưởng nhanh, lượng xe điện hoá sẽ đạt 100%, tương đương 3,5 triệu xe. Giai đoạn 3 từ 2040 - 2050 là tăng trưởng ổn định, sau là bão hòa ở mức 4 triệu đến 4,5 triệu xe.
Làm gì để khuyến khích xe điện?
Để khuyến khích sản xuất, sử dụng xe ô tô điện, ông Phạm Tuấn Anh đề xuất, áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường theo hướng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin (BEV) và xe điện nhiên liệu hydro (FCEV) ở mức thấp nhất; thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) sẽ ở mức cao hơn so với xe BEV và FCEV và áp dụng theo lộ trình: giữ nguyên như hiện tại và tăng dần để khuyến khích sử dụng xe BEV, FCEV, giảm dần ưu đãi cho xe HEVvà PHEV.
Cùng với đó là xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu… Đồng thời có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư – đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ - cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn.
Ngoài ra, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…); phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…).
Căn cứ vào xu hướng của thế giới, vào mục đích phát triển xe điện hóa, về tính thực tiễn trong sử dụng xe điện hóa, VAMA kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về xe điện hóa và có lộ trình áp dụng cho từng dòng xe điện hóa tại Việt Nam.
Bên cạnh đó có các chính sách ưu đãi ưu đãi để khuyến khích sử dụng xe điện hóa tại Việt Nam như thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi áp dụng cho từng dòng xe điện (HEV, PHEV, BEV, FCEV) căn cứ vào mức phát thải CO2. Đồng thời giảm lệ phí trước bạ cho tất cả các dòng xe điện hóa.
Bên cạnh khuyến khích sử dụng xe điện hóa, VAMA cũng kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất xe điện hóa tại Việt Nam như ưu đãi về thuế môi trường cho xe điện hóa.
Cùng với đó là xây dựng mạng lưới trạm sạc là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định của người tiêu dùng trong việc chọn dòng xe điện hóa nào; xem xét về hạ tầng cho việc tái sử dụng và tái chế pin để bảo vệ môi trường và tái sử dụng được các nguồn tài nguyên hữu ích.
Hiện tại, Việt Nam chưa có hạ tầng hệ thống trạm sạc, chưa có tiêu chuẩn cho trạm sạc và cũng chưa có nhà cung cấp trạm sạc trong khi trên thế giới hiện đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn trạm sạc khác nhau. Do vậy, trước mắt, Việt Nam cần có tiêu chuẩn TCVN cho trạm sạc và đảm bảo trạm sạc nhanh có thể sử dụng được cho xe điện của tất cả các thương hiệu, đáp ứng cho các dòng xe mà các hãng có thể cung cấp ra thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong quy hoạch xây dựng cần có yêu cầu về lưới điện phù hợp, mặt bằng tối thiểu dành cho trạm sạc điện, trước tiên là tại các thành phố lớn và các điểm dừng chân trên quốc lộ. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất cung cấp trạm sạc.
Đại diện VAMA cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì các thành viên VAMA sẽ khó thấy khả thi khi đầu tư vào lĩnh vực xe điện tại Việt Nam. Đặc biệt, với sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ, xe điện hóa sẽ trở nên phổ biến tại Việt Nam vì một môi trường xanh và sạch hơn, cũng như vì sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô của đất nước.