Đến năm 2050, chuyển sang sử dụng 100% xe điện, năng lượng xanh
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu; vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ theo các cơ chế của Thỏa thuận Paris. Việc triển khai cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng sang phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5 - 10 năm và cần tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Để từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với giao thông đến năm 2050 mục tiêu 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, trên thế giới, ngành giao thông vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái. Thị trường xe điện thế giới trong những năm qua đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021, số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019.
Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022 cả nước đã có gần 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.
Tiềm năng rất lớn
Theo các chuyên gia trong ngành, giao thông vận tải là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam, do đó, việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn cho ngành.
Còn theo kết quả nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường xe điện trong tương lai bởi hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô ở mức 23 ô tô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia.
Bà Phan Thị Thùy Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm Pin VinFast cũng cho hay, với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, Việt Nam hứa hẹn trở thành thị trường ô tô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần. Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng phát triển nguồn điện sạch rất lớn như điện gió, điện mặt trời là cơ sở quan trọng để thực hiện điện hóa.
Đặc biệt, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đang chạy đua để thu hút đầu tư thì Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, có cơ hội vượt lên dẫn trước ở lĩnh vực này và được coi là cơ hội "vàng" để phát triển ngành ô tô điện Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ đang ưu đãi lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện chạy pin là 0% trong 3 năm, kể từ 1/3/2022; trong 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ chỉ bằng 50% xe xăng có cùng số chỗ ngồi. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy pin cũng giảm chỉ còn 1 - 3%, có hiệu lực đến hết tháng 2/2027 được xem là "bàn đạp" để thị trường xe điện phát triển. Chưa hết, giá nhiên liệu thường xuyên "bất ổn" trong khi giá điện khá bình ổn lại càng có lợi cho thị trường xe ô tô điện, cũng là động lực cho xe điện dễ được phổ cập và trở thành lựa chọn của người tiêu dùng.
Với các tiềm năng như trên, giới chuyên gia trong ngành nhận định Việt Nam thực sự là một mảnh đất màu mỡ trong lĩnh vực xe điện và nếu không tự làm chủ thị trường, không lâu nữa Việt Nam sẽ trở thành "vùng trũng" tiêu thụ ô tô điện nhập khẩu. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp đi tắt, đón đầu, tìm kiếm cơ hội để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường xe điện Việt Nam.
Điểm sáng trong ngành công nghiệp xe xanh này đến thời điểm hiện tại mới chỉ có VinFast đã đầu đầu tư bài bản cho hệ sinh thái xe điện, từ sản xuất lắp ráp xe, trạm sạc phủ rộng khắp 63 tỉnh thành, đến dịch vụ cứu hộ xe điện. Trong khi đó, các hãng xe khác chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm để nghe ngóng tình hình hoặc mở bán một vài mẫu xe để đa dạng hoá sản phẩm chứ chưa chú trọng cho việc đầu tư phát triển xe điện.
Đón đầu xu thế, VinFast với thâm niên khá trẻ, chỉ 5 năm sau đi vào hoạt động đã tuyên bố dừng sản xuất xe xăng để tập trung hoàn toàn cho xe điện. Đây là quyết định bước ngoặt, đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe xăng đầu tiên trên thế giới chuyển hẳn sang xe thuần điện với dải SUV hoàn chỉnh thuộc 5 phân khúc A-B-C-D-E.
Với mẫu xe VFe34 đầu tiên, chỉ 12 tiếng đồng hồ mở bán ở trong nước, VinFast đã nhận gần 4.000 đơn đặt hàng. Đặc biệt, không chỉ phục vụ thị trường trong nước, VinFast còn xuất khẩu xe VF 8 sang Mỹ. Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu… Qua đó cho thấy, sức hút rất lớn đối với ô tô điện không chỉ ở thị trường trong nước mà ở cả thị trường quốc tế.
Không chỉ VinFast, thị trường ô tô điện Việt Nam bắt đầu sôi động hơn khi cuối tháng 4/2022 TC Group giới thiệu xe điện IONIQ 5 và Mercedes-Benz giới thiệu xe điện EQS, trước đó Kia cũng giới thiệu mẫu xe điện EV6 tại Việt Nam. Đặc biệt, tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2022 hàng loạt hãng xe lần đầu tung ra sản phẩm xe điện như Audi giới thiệu SUV Audi e-tron quattro, Mercedes-Benz ra mắt sedan EQS, Toyota giới thiệu SUV cỡ nhỏ bZ4X, MG Việt Nam ra mắt 2 mẫu xe điện là MG Marvel R và MG4 hoàn toàn mới…
Nhiều chuyên gia nhận định, cùng với VinFast đã đầu tư bài bản cho hệ sinh thái xe điện trải đều khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước và sự góp mặt sản phẩm của nhiều thương hiệu ô tô sẽ là "cơ hội vàng" để Việt Nam viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô sau gần 30 năm hình thành nhưng chậm phát triển.
Bài 2: Nóng cuộc đua tại Việt Nam