Phát triển nghề nuôi tôm qua liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị

Ngày 9/9, tại thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết, liên kết ngành tôm với chủ đề "Xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị".

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm công nghiệp của ông Hà Văn Lương, xã Cộng Hòa, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. 

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản chia sẻ, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ ba thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới, xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Ngành tôm cũng tạo công ăn việc làm cho trên 3 triệu lao động.

Tuy nhiên, ngành tôm vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng và lợi thế nên cần phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao. Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.

Tại Quảng Ninh, mối liên kết trong sản xuất tôm ở Quảng Ninh bước đầu đã được hình thành đem lại hiệu quả kinh tế cho các nhà doanh nghiệp và người nuôi, đóng góp GDP lớn trong cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp Quảng Ninh.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết, tính đến hết tháng 8 năm 2023, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 7.500 ha; sản lượng đạt 21.976 tấn, số cơ sở nuôi tôm là 3.012 cơ sở. Nhiều mô hình, công nghệ nuôi tôm mới trên địa bàn được ứng dụng cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi tôm trong nhà bạt, nuôi tôm CPF-COMBINE, Biofloc, Semi – Biofloc, nuôi tôm nhiều giai đoạn....

Thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát và tổ chức lại mô hình sản xuất đơn lẻ theo hộ cá thể thành các mô hình sản xuất liên kết hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc hợp tác xã... nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi.

Đại diện Cục Thủy sản chia sẻ, các cơ sở nuôi tôm cần thay đổi phương thức sản xuất sang các mô hình nuôi tôm thâm canh theo hướng áp dụng công nghệ cao ở các quy mô khác nhau gồm cả quy mô hộ gia đình; áp dụng các giải pháp kỹ thuật như thả giống cỡ lớn, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi với mật độ thưa để tăng hiệu quả, nâng cao năng suất và sản lượng nuôi. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm hiện nay đang hướng tới để sản xuất bền vững và thân thiện môi trường.

Địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường gắn với xây dựng thương hiệu; đồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng và ý thức pháp luật của các chủ thể trong liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đặt mục tiêu xây dựng được 4 mô hình sản xuất theo hình thức liên kết ở 4 phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau tại 8 tỉnh ven biển đại diện vùng sinh thái khác nhau. Cùng với đó, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho trên 120 cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất; thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả. Xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết sản xuất theo phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau.

Trong 8 tháng năm 2023, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 715.000 ha; trong đó tôm sú đạt 645.000 ha, tôm chân trắng đạt 70.000 ha. Sản lượng ước đạt 657,5 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng giống đạt 108,5 tỷ con.

Tin, ảnh: Đức Hiếu (TTXVN)
Khuyến cáo nông dân nuôi tôm rải vụ khi giá xuống thấp
Khuyến cáo nông dân nuôi tôm rải vụ khi giá xuống thấp

Trước tình hình giá tôm thương phẩm xuống thấp, người dân "treo" ao, không tái vụ nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân nuôi tôm thâm canh nên thả tôm giống nuôi rải vụ, không tập trung trên toàn bộ số lượng ao nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN