Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trước đó, trong kiểm tra thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phát hiện trên địa bàn huyện Châu Thành và huyện Châu Phú phát sinh tình trạng người dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn với diện tích hơn 17 ha. Điều này, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phát hiện tại huyện Châu Phú có 18 hộ dân, huyện Châu Thành có 1 hộ dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 17,1 ha; thời điểm phát hiện, các hộ dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng được khoảng 1 tháng.
Do nuôi trong vùng nước ngọt nên các hộ dân đều thực hiện khoan giếng tầng nông (độ sâu 30 - 40m) để lấy nước có độ mặn khoảng 4-9 g/l hoặc dùng muối để nâng độ mặn (20 tấn/1.000 m2) cho ao nuôi tôm. Đa số các hộ thả giống nuôi với mật độ cao, dao động từ 100 - 300 con/m2. Đoàn kiểm tra đã giao Phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành và huyện Châu Phú tham mưu UBND huyện ra quyết định xử lý hành chính. Đồng thời, đối với các hộ nuôi phát sinh phải thực hiện cam kết, khi kết thúc vụ nuôi thì không được tiếp tục thả nuôi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định, việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát địa bàn huyện Châu Phú và Châu Thành sẽ tác động xấu đến môi trường sinh thái, nhất là từ hoạt động xả thải nguồn nước mặn trong quá nuôi tôm thẻ ra môi trường bên ngoài, gây tích tụ nhiễm mặn tầng đất mặt.
Về lâu dài có thể gây tác động rất lớn đối với môi trường và đa dạng sinh học đặc biệt là ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất trồng lúa và các loại cây trồng khác. Đặc biệt, tiềm ẩn mối nguy các mầm bệnh nguy hiểm ký chủ trên đối tượng tôm thẻ lây truyền mầm bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt chủ lực của tỉnh.
Hiện nay, tôm thẻ chân trắng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép phát triển thả nuôi trong vùng nước ngọt, và UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo không cho phép thả nuôi đối tượng tôm thẻ chân trắng này trong vùng nước ngọt trên địa bàn tỉnh An Giang.
Nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tuân thủ các quy định về sử dụng đất trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm trong quản lý về nuôi trồng thủy sản; việc sử dụng, chuyển đổi mục đích đất sang nuôi trồng thủy sản; việc khoan giếng lấy nguồn nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng; việc xả thải nguồn nước mặn từ hoạt động nuôi tôm thẻ ra môi trường bên ngoài, ... tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng không để phát sinh thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền các văn bản quy định về không thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, và những tác động, ảnh hưởng, hệ lụy của việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn tỉnh, để người dân nắm biết và chấp hành.
Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra quản lý và xử lý vi phạm về đào ao mới từ đất lúa (vườn tạp, cây lâu năm...) để nuôi tôm thẻ, quy định về bảo vệ môi trường, khoan giếng tầng nông lấy nước lợ, mặn.
Phó Chủ tịch UBND An Giang Trần Anh Thư giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng, triển khai các mô hình - công nghệ nuôi thủy sản nước ngọt hiệu quả (mô hình nuôi Biofloc, mô hình nuôi kết hợp, nuôi tuần hoàn, nuôi trong nhà kín,...) để làm cơ sở cho việc phát triển nhân rộng cho hộ nuôi ứng dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao nuôi bể nổi, mô hình hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, tập huấn chuyên đề về các mầm bệnh nguy hiểm của đối tượng tôm thẻ chân trắng và những tác hại mối nguy lây lan mầm bệnh, dịch bệnh nguy hiểm cho đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt. Điều này, nhằm góp phần nâng cao nhận thức về dịch bệnh thú y - thủy sản cho hộ nuôi thủy sản. Kiên quyết xử lý theo quy định việc di nhập giống tôm thẻ chân trắng vào địa bàn tỉnh để thả nuôi dưới bất kỳ hình thức nào.
Cùng với đó, đối với lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nếu để xảy ra tình trạng tồn tại, phát sinh nuôi tôm thẻ chân trắng địa bàn sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với hoạt động về chuyển đổi diện tích đất lúa (vườn tạp, cây lâu năm...) sang mục đích nuôi trồng thủy sản, việc xả thải, khoan giếng không đúng theo quy định pháp luật.
Đẩy mạnh tuyên truyền để người trồng lúa, người nuôi thủy sản nắm biết những tác hại trước mắt cũng như lâu dài về ô nhiễm môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, tác động rất lớn đối với môi trường đặc biệt là ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, nhiễm mặn nguồn nước, đất mặt, ... gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản của việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.