Phát triển kinh tế xanh - chìa khóa mở ra thị trường mới cho thành phố Cảng

Phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu và mỗi địa phương, trong đó có Hải Phòng. Kiên định với chiến lược phát triển xanh đã và đang tạo ra các nguồn lực mới, mở ra thị trường mới cho thành phố này.

Chú thích ảnh
Cảng Nam Hải có quy mô ngày càng lớn, đáp ứng tốt tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu tại vùng cửa ngõ giao thương chiến lược phía Bắc. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Khu công nghiệp-nơi đáng để sống và làm việc

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, Hải Phòng có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 14 Khu công nghiệp với các ưu đãi đầu tư vượt trội, đang tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư theo hướng phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: công nghiệp - công nghệ cao, cảng biển - logistics và du lịch - thương mại.

Ðặc biệt, Khu công nghiệp DEEP C và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền định hướng phát triển thành khu công nghiệp sinh thái, đang đi tiên phong trong việc xây dựng Khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec, công ty chung tay xây dựng thành công Khu công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, mang niềm tự hào này từ Hải Phòng truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh đem niềm hạnh phúc đến cho mọi người.

Ông Bruno Jaspaert, CEO, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ, với DEEP C, việc tiên phong tham gia dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" do UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp triển khai là vô cùng quan trọng. Để trả lời câu hỏi DEEP C đã thay đổi như thế nào, ông Bruno Jaspaert so sánh giữa DEEP C II và DEEP C I. DEEP C II là mô hình thí điểm cho một Khu công nghiệp với các tiêu chuẩn cao về phát triển bền vững cũng như cảnh quan xanh.

Tại đây, DEEP C II có tua bin điện gió đầu tiên tại Hải Phòng, được cấp phép nhờ sự hỗ trợ của UBND thành phố Hải Phòng và Ban Quản lý Khu kinh tế, khu vực cảnh quan xanh trông giống như một khu rừng nhỏ chứ không phải chỉ là một bãi cỏ, hệ thống thu gom nước mưa tại công viên Wetland. DEEP C tự hào khi tái sử dụng nước thải đã qua xử lý tại nhà máy xử lý nước thải cho công tác tưới tiêu vườn ươm và cảnh quan xanh trong khu công nghiệp. Tất cả những hoạt động trên đều nằm trong khuôn khổ dự án phát triển khu công nghiệp sinh thái.

Ông Bruno Jaspaert cho rằng, một khu công nghiệp sinh thái đúng nghĩa không chỉ quan tâm đến môi trường. Ông tin rằng tương lai của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng phải là một tương lai bền vững, và điều đó có nghĩa chúng ta phải nhìn nhận về các Khu công nghiệp từ một hướng khác. Khu công nghiệp không chỉ là nơi thu hút các ngành công nghiệp mà còn phải là một nơi đáng để sống và làm việc.

Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 vừa diễn ra ngày 10/4, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong của cả nước, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội.

Quý I/2024, Hải Phòng đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng GRDP (9,32%, gấp 1,6 lần mức tăng bình quân chung cả nước); so với cùng kỳ năm trước, thu ngân sách nội địa đạt trên 18.900 tỷ đồng, tăng trên 130 %, đạt 50 % dự toán Trung ương giao; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7,74 tỷ USD, tăng trên 18%. Hải Phòng cũng là một điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong quý I/2024, Hải Phòng thu hút vốn FDI đạt 253 triệu USD, đạt 12% kế hoạch cả năm.

Thành phố Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Với vị thế là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, là đầu tàu kinh tế của Khu vực phía Bắc, thành phố Hải Phòng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của đất nước, đưa thành phố Hải Phòng trở thành một “thành phố xanh” dựa trên cơ sở một nền “kinh tế xanh, bền vững”.

Khơi dậy và giải phóng tiềm năng

Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, lần đầu tiên tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã thể hiện rõ ý chí của Việt Nam trong việc lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại COP 26, Việt Nam cũng đã đưa ra mục tiêu cam kết về Net Zero bằng 0 vào năm 2050, dù ngay cả với các nước phát triển đây vẫn là một thách thức lớn.

Đây là con đường để tự cứu mình. Đã đến lúc cần có cách nhìn nhận hiện thực hóa các chủ trương này. Đó sẽ không còn là khẩu hiệu hay lời kêu gọi mà đòi hỏi chúng ta cần chuyển nhanh từ nhận thức sang hành động.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để đạt được các mục tiêu, hành động cần xuất phát từ mỗi cá nhân, mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Trên con đường Net Zero cần giải quyết được bài toán về công nghệ; không sử dụng năng lượng hóa thạch.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề sẽ quyết định đến thành công của kinh tế xanh là năng lượng sạch, chuyển đổi này đòi hỏi các nước phải cùng nhau hành động, dù trình độ và khả năng khác nhau.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, trong công cuộc chuyển đổi xanh, Việt Nam đã có những văn bản ở cấp rất cao, như Nghị quyết 24, các chiến lược về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; các luật cũng được ban hành để bước đầu thể chế hóa, như Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện Chính phủ cũng đang tập trung để sửa đổi luật liên quan đến lĩnh vực điện lực.

Chính phủ cũng đang dự kiến thay đổi một số nghị định, tạo môi trường pháp lý để có lộ trình chuyển đổi xanh; xây dựng một số cơ chế để các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ được hình thành.

Về xác định các mô hình kinh tế, Chính phủ cũng đang xây dựng kế hoạch để Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và người dân có thể cùng nhau thực hiện được kinh tế tuần hoàn. Nhiều cơ chế liên quan đến việc làm thế nào để thực hiện được mục tiêu Net Zero cũng đang được thảo luận.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong công cuộc đó, chuyển đổi quan trọng nhất là liên quan đến năng lượng, trong đó tài chính và công nghệ là bài toán đau đầu đối với các quốc gia, cũng như Chính phủ Việt Nam... Đây là mục tiêu dù khó khăn nhưng Chính phủ không thể không làm. Quan trọng nhất là bước đi ban đầu ở đâu, làm thế nào để có công nghệ.

Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để quyết định trong việc thu hút FDI, đặc biệt trong lựa chọn các dự án đầu tư. Hiện nếu chỉ thu hút đầu tư dựa vào đất đai, nhân công giá rẻ…thì sẽ không còn giá trị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, xu hướng thu hút đầu tư sắp tới sẽ có hai thứ, năng lượng xanh, tín chỉ xanh và nguồn nhân lực chất lượng cao. Hai yếu tố này Việt Nam có tiềm năng và tài nguyên, nhưng để tận dụng được phục vụ cho phát triển kinh tế, Chính phủ gửi gắm đến các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Trong quá trình chuyển đổi, Chính phủ, các địa phương sẽ luôn lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp để có những hỗ trợ cần thiết, cũng như có những cơ chế trên phạm vi toàn cầu để chuyển đổi theo.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhận định, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương (chẳng hạn địa phương có thế mạnh về nông nghiệp sẽ cần có những yêu cầu và lộ trình khác địa phương đã có nền tảng phát triển công nghiệp). Do đó, các địa phương trên cả nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích vì mục tiêu chung của Chính phủ.

"Tiếp tục hiện thực hóa chiến lược của Chính phủ về phát triển xanh, bền vững, thành phố Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch xanh. Hải Phòng rất mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương bạn đối với đề xuất này.", Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nói.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Thái Nguyên đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Thái Nguyên đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Trong cuộc họp với thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và các sở, ban, ngành, các huyện, thành trong tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục quán triệt, chấp hành nghiêm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, kết luận của Trung ương và của tỉnh đảm bảo chất lượng, có kết quả cụ thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN