Hội thảo nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 14/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chưa phát triển tương xứng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; là vùng động lực phát triển hàng đầu của cả nước có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.
Kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2022 đạt 8,93%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước; quy mô kinh tế tăng trưởng nhanh, năm 2022 đạt 2,89 triệu tỷ đồng, chiếm 30,4% tổng ngân sách quốc nội (GDP) của cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 123,4 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước; thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ dù có nhiều tiềm năng, lợi thế song vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa tận dụng hết thế mạnh để phát triển như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào khai thác quỹ đất; công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch còn chậm; phát triển không đồng đều giữa các tiểu vùng và giữa các địa phương trong vùng; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân là do nhận thức về liên kết vùng chưa đầy đủ, còn tư tưởng cục bộ chưa vì lợi ích chung; thiếu cơ chế và bộ máy thực hiện liên kết, điều phối vùng hiệu quả vì không có thể chế vùng và ngân sách riêng cấp vùng; chất lượng quy hoạch vùng và quy hoạch cấp địa phương còn thấp; chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính lan tỏa của vùng.
Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, tính liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng nhìn chung vẫn còn có nhiều hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh, chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.
Hướng tới phát triển bền vững
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã thảo luận xung quanh 2 chủ đề chính “Để Đồng bằng sông Hồng là vùng động lực tăng trưởng của cả nước” và “Liên kết phát triển kinh tế vùng từ chuỗi sản xuất, thương mại và dịch vụ”, đồng thời đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng hướng đến xây dựng vùng phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ.
Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, hiện vùng Đồng bằng sông Hồng có 2.041 chợ (chiếm 23,96% tổng số chợ cả nước), số lượng trung tâm thương mại tại vùng chiếm 24,03% so với tổng số trung tâm thương mại cả nước; có 328 siêu thị, 2.600 cửa hàng tiện lợi… Dù hạ tầng thương mại phát triển với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại nhưng phân bố không đồng đều.
Để phát triển thị trường trong nước, vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh liên kết vùng, hình thành hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao, ưu tiên xây dựng được 1 số trung tâm logistics lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm làm động lực cho các chuỗi cung ứng của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ…
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá, xây dựng thể chế liên vùng đủ mạnh, đảm bảo hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng đi vào thực chất. Trong số đó, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành.
Vùng Đồng bằng sông Hồng cần sớm xây dựng, hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững, kết nối hiệu quả với các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Trong năm 2023 các địa phương trong vùng phải hoàn thành quy hoạch của địa phương mình, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển vùng.
Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng cần tranh thủ, tận dụng thời cơ từ các xu thế phát triển mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; đổi mới mô hình tăng trưởng đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, lan tỏa, đồng bộ và kết nối.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, phát triển khoa học- công nghệ đến năm 2030 vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.