Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Đồng bằng Sông Hồng là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chú thích ảnh
Sản xuất điện thoại thông minh tại Nhà máy của VinSmart giai đoạn 1 tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Toàn vùng có trên 500 tổ chức khoa học công nghệ, 291 tổ chức nghiên cứu phát triển (R&D), với 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ trong đó hạt nhân là Thủ đô Hà Nội.

Nhiều dự án, đề án khoa học và công nghệ liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ được triển khai. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án sản xuất công nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco (Bắc Ninh), Công ty Sao Thái Dương, Công ty cổ phần Đồng Giao (Ninh Bình)…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Hoạt động khoa học công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng đã có tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của Vùng, khẳng định rõ vai trò đồng hành của khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các địa phương đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu dự báo sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, mang lại các cơ hội lựa chọn và tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam nói chung, vùng Đồng bằng Sông Hồng nói riêng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi bản chất của thương mại, đầu tư và lao động toàn cầu, nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình nhiều quốc gia lựa chọn. Vì vậy, việc ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong nông nghiệp được triển khai mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Vùng Đồng bằng sông Hồng đang phấn đấu trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước theo đúng định hướng Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng cần đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao tài sản hình thành trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo; tiếp tục phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.

Đặc biệt, phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình mở trở thành đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên... tạo nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, tăng cường, đầu tư, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI có sử dụng lao động trình độ cao người Việt Nam và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam để thúc đẩy mục tiêu lan tỏa công nghệ...

HL (TTXVN)
Đầu tư để khoa học công nghệ thực sự là động lực phát triển TP Hồ Chí Minh
Đầu tư để khoa học công nghệ thực sự là động lực phát triển TP Hồ Chí Minh

Sáng 16/2, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN