Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng được xác định triển khai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích cơ sở giáo dục đại học tại vùng thu hút chuyên gia, trí thức trẻ; đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các ngành phù hợp cho sự phát triển nông nghiệp và nông thôn toàn vùng.
Điểm nghẽn từ chính nguồn nhân lực
Giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp 31,37% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. Song hiện nay, một trong những điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của vùng có nhiều thế mạnh này là nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương trong vùng.
Tại lễ Công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức, các chuyên gia đã nêu một trong những thách thức đối với phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp của đồng bằng là vốn tri thức và kỹ năng của lao động còn thấp. Cụ thể, hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 14,9% và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 6,8%, thấp nhất cả nước. Ngoài ra, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của đồng bằng năm 2020 là 3,47%, cao thứ 2 toàn quốc, chỉ sau khu vực Tây Nguyên.
Tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho Đồng bằng sông Cửu Long được thể hiện ngay từ góc độ tuyển sinh và đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Thông tin từ Hội đồng tuyển sinh một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong vài năm trở lại đây, ngành Khoa học thủy sản của trường rất khó tuyển sinh. Một trong những nguyên nhân là do thí sinh “e ngại” ngành học mang tính đặc thù, môi trường làm việc thường ở vùng nông thôn. Trong khi đó, thực tế là thị trường lao động trong nước, đặc biệt là tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long - nơi có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đang cần rát nhiều lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo, chất lượng cao liên quan đến lĩnh vực này.
Khó khăn trong khâu tuyển sinh do người học chưa mặn mà”, sau khi được đào tạo, nhiều sinh viên cũng không muốn quay trở về quê để làm việc. Phó Giáo sư Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, đang xảy ra hiện tượng "nước chảy chỗ trũng" đối với nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều sinh viên sau khi học xong không muốn trở về quê vì quan niệm ở lại thành phố có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại chỗ ở một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là lao động trẻ, có ý chí khởi nghiệp thì nhiều người lại chưa được đào tạo bài bản, chưa đầy đủ kiến thức mang tính nền tảng nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp thu, cập nhật các kỹ thuật mới hoặc đưa sản phẩm từ các mô hình khởi nghiệp ra thị trường.
Tăng cường đào tạo, thu hút nhân lực
Trước thực trạng này, để nguồn nhân lực thực sự là nền tảng kiến tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo các chuyên gia, cần tăng cường đổi mới đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Phó Giáo sư Võ Văn Thắng cho rằng: một trong những giải pháp thu hút người học là các trường cần tiếp tục đổi mới, thiết kế lại chương trình đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chương trình đào tạo cập nhật phù hợp nhu cầu thực tế, theo định hướng phát triển nông nghiệp với công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay dự án “Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ đang được triển khai với mục tiêu phát triển toàn diện chất lượng giáo dục lĩnh vực nông nghiệp và các ngành liên quan tại Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh góp phần phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khuôn khổ dự án, từ nay đến năm 2028 sẽ có nhiều nội dung được thực hiện như cử các cán bộ chuyên ngành nông nghiệp và những chuyên ngành liên quan, đi đào tạo tại Hàn Quốc trình độ sau đại học, cải tiến các chương trình đào tạo đang được vận hành tại Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên của Trường Đai học An Giang, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học ngành nông nghiệp, làm tiền đề cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm đề xuất: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long gắn với ba "biến" đó là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến đổi của xu thế tiêu dùng. Do đó chiến lược, nội dung đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp cho vùng rất cần được chú trọng cung cấp các kiến thức, kỹ năng phù hợp với các yếu tố biến đổi này, từ đó nguồn nhân lực có những đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của toàn vùng.
Từ góc độ doanh nghiệp - người sử dụng lao động, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit cho rằng, đối với đào tạo nhân lực lĩnh vực nông nghiệp cho đồng bằng sông Cửu Long, cần phải đi sâu vào đào tạo nhân lực với chuyên môn về nông nghhiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, từ đó áp dụng vào canh tác, chăn nuôi, mới có được những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tất cả các thị trường khó tính trên toàn cầu.
Liên quan đến giải pháp thu hút nhân lực lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Phó Giáo sư Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất, trong quy chế tuyển sinh, cần có thêm chính sách để thu hút người học ngành nông nghiệp. Đồng thời, các địa phương cần có thêm các chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài cho địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của vùng.
Còn theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững. Theo đó, tỉnh tổ chức cập nhật kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương.
Đồng Tháp cũng đưa vào vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục cho học sinh, sinh viên chuyên ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn, nông học của Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, học viên của Trường Chính trị tỉnh các kiến thức tổng quan về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể cùng các chuyên đề sâu như tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng hợp tác - liên kết - thị trường - giảm giá thành - tăng chất lượng - chế biến tinh và đa dạng sản phẩm, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, xây dựng làng thông minh, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.