Phát triển hợp tác xã từ thực tiễn ở Nam Định - Bài 1: Đổi mới mô hình hoạt động

Sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, kinh tế tập thể với nòng cốt là Hợp tác xã tại Nam Định có bước chuyển đột phá, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, để hợp tác xã thực sự trở thành một khu vực kinh tế năng động, cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Bài 1: Đổi mới mô hình hoạt động

Luật Hợp tác xã 2012 đã tạo ra bước ngoặt, làm thay đổi cách thức hoạt động của hợp tác xã tại tỉnh Nam Định, mang lại hiệu quả cao, giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã đã tiên phong trong việc đổi mới mô hình, cách thức quản lý, làm ăn mang lại hiệu quả cao.

Xây dựng hợp tác xã kiểu mới

Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 chính thức có hiệu lực vào năm 2013, tỉnh Nam Định nhanh chóng thực hiện Luật bắt đầu bằng việc 100% các hợp tác xã của huyện Hải Hậu thực hiện giải thể tự nguyện và từng bước thành lập các hợp tác xã kiểu mới. Từ đây, việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới diễn ra rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, ở khắp các lĩnh vực.

Chú thích ảnh
Thu hoạch cá tại Hợp tác xã thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Hòa (Xuân Trường, Nam Định). 

Năm 2016, sau 3 năm thực hiện Luật, toàn tỉnh có hơn 300 hợp tác xã; trong đó có 48 hợp tác xã thành lập mới. Các hợp tác xã thành lập mới thể hiện rõ nét tính năng động, tự chủ trong hoạt động, nhanh chóng thích ứng với mô hình, cách thức vận hành mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các thành viên.

Ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định khẳng định, có thể nói Nam Định là địa phương thực hiện chuyển đổi hoạt động của hợp tác xã theo Luật 2012 một cách dứt khoát, triệt để và thay đổi căn bản hoạt động của mô hình kinh tế này. Các hợp tác xã tích cực đầu tư, cải tạo phương tiện lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, phát huy nội lực gắn sản xuất với bảo tồn làng nghề địa phương.

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có hơn 500 hợp tác xã ở các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, vận tải, du lịch… Lợi nhuận bình quân ước đạt gần 160 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân thành viên, người lao động đạt 43 triệu đồng/người /năm.

Các hợp tác xã nông nghiệp như mắt xích quan trọng trong việc gắn kết người nông dân với doanh nghiệp, giữa sản xuất và tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn tỉnh đã có 78 hợp tác xã thực hiện liên kết với các đối tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với 126 chuỗi; trong đó mô hình hợp tác xã kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị có 59 chuỗi. Điển hình như: Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi (huyện Ý Yên) với chuỗi thịt lợn sạch Nam Sơn, chuỗi chế biến gạo của Hợp tác xã Bốn Thuận (huyện Vụ Bản), chuỗi trồng và chế biến nấm của Hợp tác xã Linh Phát (huyện Hải Hậu)...

Đầu tư công nghệ cao vào sản xuất đang được các hợp tác xã quan tâm và trở thành xu hướng nhằm hướng đến mục tiêu nâng cáo giá trị. Toàn tỉnh có 26 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó có 9 hợp tác xã áp dụng công nghệ trong canh tác; 10 hợp tác xã áp dụng trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản; 4 hợp tác xã áp dụng công nghệ tự động hóa và 3 hợp tác xã áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.

Từ việc chú trọng liên kết sản xuất và tiêu thụ, sản phẩm của hợp tác xã ngày càng đa dạng, phong phú. Hiện tại 51 hợp tác xã với 85 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 4 sao, chiếm 24,5% tổng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) toàn tỉnh. Nhiều hợp tác xã chú trọng đến chất lượng và thị hiếu của người tiêu dùng, thực hiện sản xuất theo hướng an toàn, đầu tư nhãn mác, bao bì, đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm, cửa hàng uy tín thay vì thông qua thương lái như trước kia.

Những hợp tác xã tiên phong

Nắm bắt xu thế, tận dụng những chính sách ưu đãi cho hợp tác xã kiểu mới, nhiều hợp tác xã trong tỉnh hoạt động linh hoạt, hiệu quả. Thành lập năm 2014 trên cơ sở là một tổ hợp tác, Hợp tác xã Thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường là một trong những hợp tác xã kiểu mới thành lập sớm và hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Hợp tác xã Thủy sản Xuân Hòa có khu nuôi tập trung nằm ven sông Sò với diện tích trên 30 ha của 25 thành viên. Hợp tác xã sản xuất chủ yếu các loại cá trắm đen, trắm cỏ, chép theo quy trình VietGAP thủy sản (Thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Trung bình mỗi năm, hợp tác xã thu hoạch từ 400 - 450 tấn cá cho doanh thu khoảng 30 tỷ đồng, thu nhập của thành viên đạt khoảng 80 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thủy sản Xuân Hòa cho biết, trước kia hoạt động của các tổ hợp tác không hiệu quả, mạnh ai nấy làm, không theo quy trình, kế hoạch. Từ khi thành lập hợp tác xã kiểu mới với cơ chế tự chủ, toàn bộ thành viên đồng lòng, thống nhất cách làm, quy hoạch để cho ra sản phẩm đồng nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, khi thành lập hợp tác xã kiểu mới, chính quyền địa phương, các đoàn thể cũng quan tâm hỗ trợ xây dựng cơ hạ tầng và có cơ chế hỗ trợ như: thuê đất, vay vốn giúp cho hợp tác xã hoạt động ổn định, bền vững.

Hiện nay, hợp tác xã đang quản lý chặt chẽ từ nguồn thức ăn, con giống, nguồn nước và liên kết với một số doanh nghiệp, nhà hàng trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, hợp tác xã đã xây dựng khu chế biến thức ăn nuôi trồng thuỷ sản, kho lạnh, xưởng sấy khô, xưởng sơ chế cá cắt khúc cấp đông để tham gia Chương trình OCOP.

Xuất phát từ lợi thế quê hương là nghề trồng hoa, cây cảnh, năm 2016, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong, thành phố Nam Định ra đời với 9 thành viên. Đây là một trong số ít những hợp tác xã do nữ làm chủ hoạt động linh hoạt, mở ra hướng đi mới cho nghề trồng hoa. Với trên 18.000 m2 đất trồng, bên cạnh các giống hoa truyền thống như: cúc, hồng, lay ơn, hợp tác xã mạnh dạn đưa các giống hoa mới cho giá trị cao vào sản xuất như phi yến, ly, cát tường.

Từ năm 2020, hợp tác xã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa lan hồ điệp. Trên diện tích 1.000 m2, hợp tác xã xây dựng nhà màng có lắp đặt hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tự động và bán tự động theo nhu cầu sinh trưởng ở từng giai đoạn của cây. Áp dụng kỹ thuật nhân giống hoa lan hồ điệp từ nuôi cấy mô do Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển giao, hợp tác xã thực hiện nhân giống, trồng và chăm sóc khoảng 30.000 cây hoa lan hồ điệp cung cấp ra thị trường chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán từ 120.000 - 150.000 đồng/cây, doanh thu từ hoa lan hồ điệp của hợp tác xã khoảng trên 3 tỷ đồng/năm. Ngoài lợi nhuận hàng năm, mỗi thành viên được hưởng mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Sàng, thôn Phù Long, xã Nam Phong cho biết, ngoài lợi nhuận hàng năm từ việc đóng cổ phần, bà được hợp tác xã trả công lao động mỗi ngày 200.000 đồng. Khi vào hợp tác xã công việc của các thành viên ổn định hơn, không phải lo lắng về thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Bà Phạm Thị Hoa, Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong cho hay, sự gắn kết các thành viên trong hợp tác xã kiểu mới chặt chẽ hơn bởi ai cũng phải góp vốn và phải có trách nhiệm với hoạt động của hợp tác xã. Việc thành lập hợp tác xã giúp người dân được tiếp cận với những chính sách về vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từ đó giúp sản xuất thuận lợi, doanh thu ổn định.

Bài cuối: Hướng tới sự bền vững

Bài và ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)
Khởi động Dự án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý
Khởi động Dự án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý

Ngày 17/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” và phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự Hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN