Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, kinh tế tập thể là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước khẳng định xuyên suốt qua các kỳ Đại hội. Trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh: Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.
Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có các hoạt động hỗ trợ phát triển hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội. Với sự phối hợp, đồng hành của các ngành chức năng, thông qua các hoạt động của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939), các cấp Hội đã khích lệ, động viên, hỗ trợ các ý tưởng, đề án gắn với việc thành lập các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ. Với quyết tâm chính trị của cả hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017 - 2022, Hội đã hỗ trợ thành lập hơn 800 hợp tác xã và 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đặt ra yêu cầu cho các cấp Hội phải phối hợp với các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể tìm ra các giải pháp hiệu quả hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, tăng số lượng và chất lượng hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tăng số phụ nữ tham gia hợp tác xã ở cả vai trò quản lý đến vai trò lao động. Đây cũng là phương thức giúp phụ nữ vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển sản xuất, giúp tạo việc làm cho lao động nữ trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế và phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Việc Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là cơ sở quan trọng để Hội cùng các ngành, các cấp thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Với trách nhiệm của mình, để thực hiện hiệu quả Đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn xác định ngoài việc phát huy những kinh nghiệm thực tiễn, các cấp Hội cần đặt quyết tâm chính trị cao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền các cấp quán triệt, triển khai, tạo sự đồng thuận nhận thức trong từng cán bộ, hội viên, phụ nữ; phát huy tối đa nội lực, sự ủng hộ, tạo điều kiện của toàn xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, những năm qua, Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; đã ban hành và chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của nước ta đạt được những thành tựu to lớn, được các tổ chức quốc tế và nhiều nước thừa nhận.
Các đề án của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế. Đồng thời, thông qua phát triển kinh tế, có tác động tích cực vào sự ổn định xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
Để sớm đưa Đề án 01 được triển khai đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch theo từng giai đoạn và hàng năm.
Các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành quan tâm cân đối, bố trí kinh phí trong các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung phát triển kinh tế tập thể; rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực nữ, xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhân lực nữ phục vụ phát triển kinh tế tập thể; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức các hội nghị, diễn đàn, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực kinh tế tập thể…