Đô thị thông minh không chỉ giải quyết vấn đề phát triển đô thị như dân số tăng nhanh, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, biến đổi khí hậu toàn cầu… mà còn có khả năng đối mặt với thách thức không thể dự báo trước như dịch COVID-19 vừa qua.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Tiến sỹ Phạm Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng) cho biết, hội nhập với xu thế của toàn cầu, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, trở thành thành viên tích cực để hiện thực hóa một mạng lưới các đô thị thông minh trong khu vực, mạng lưới đô thị thông minh trong khối các quốc gia Đông Nam Á (ASCN).
Theo thống kê, hiện xấp xỉ 50% dân số Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sống trong khu vực đô thị. Dự kiến đến năm 2030, khoảng 90 triệu người sống tại các thành phố thuộc khu vực ASEAN. Khu vực ASEAN đang đóng góp giá trị quan trọng cho nền kinh tế thế giới với tổng thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD vào năm 2016.
Các chuyên gia cho rằng, những thành phố nhỏ và vừa với dân số từ 200.000 đến 2 triệu người sẽ góp phần thúc đẩy 40% tăng trưởng của khu vực. Mật độ dân số thuộc ASCN đang gia tăng mạnh mẽ, vượt qua các khu vực khác của châu Á.
Với sự tăng trưởng nhanh chóng, khu vực đô thị thuộc mạng lưới ASCN phải đối mặt với nhiều thách thức về phát triển, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tính toán sơ bộ cho thấy, tắc nghẽn giao thông và tai nạn có thể gây thiệt hại từ 2-5% GDP hàng năm.
Cùng đó, một số vấn đề khác như chất lượng không khí, nước hay quản lý rác thải, nạn đói nghèo, vấn đề an ninh xã hội… cũng gia tăng thêm áp lực cho quản lý phát triển đô thị.
Bởi vậy, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, việc áp dụng nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông sẽ góp phần giải quyết thách thức. Bài học thành công của các nước đi trước cũng khẳng định, xu hướng này đang được nhân rộng trên toàn thế giới và trở thành hướng đi tất yếu có thể giải quyết, kiểm soát nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng của đô thị. Đây cũng chính là xu hướng quan tâm của các quốc gia thành viên và đô thị thông minh – ông Toàn phân tích.
Tiến sỹ Đào Thị Như – chuyên viên Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) khẳng định, mạng lưới đô thị thông minh ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng nền tảng hợp tác để các đô thị chia sẻ mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh, hướng đến phát triển bền vững. Trong số 26 đô thị thí điểm ban đầu, Việt Nam có 3 đô thị tham gia gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Tại Việt Nam, các đô thị thí điểm duy trì mối quan hệ hợp tác với đối tác ngoài mạng lưới; đồng thời được hỗ trợ bởi nhà cung cấp giải pháp tư nhân hoặc các tổ chức chính sách, thể chế tài chính đa phương. Mạng lưới phát triển đô thị thông minh phù hợp với bối cảnh phát triển, điều kiện xã hội, bản sắc văn hóa, khả năng ứng dụng cũng như năng lực từng đô thị.
Khung mục tiêu được xây dựng và thống nhất trong toàn mạng lưới, tạo nền tảng nhận thức quan trọng về định hướng phát triển đô thị thông minh. Theo đó, 3 đầu ra chiến lược của mạng lưới bao gồm: mức sống cao; nền kinh tế cạnh tranh; môi trường tự nhiên bền vững – bà Như cho hay.
Do đó, các nội dung hướng tới gồm: sự tham gia của công dân và xã hội; sức khỏe và phúc lợi; an toàn và an ninh; chất lượng môi trường tự nhiên; xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp và đổi mới. Khung mục tiêu cũng xác định 2 cơ sở để đảm bảo quản lý đô thị hóa thông minh. Cụ thể là: gắn với quy hoạch chung đô thị tích hợp và quản trị đô thị năng động; nền tảng thúc đẩy ứng dụng và phát triển hạ tầng kỹ thuật số, nguồn lực tài chính cùng các đối tác.
Kể từ năm 2019, mạng lưới ASCN đã thông qua điều khoản tham chiếu định hình khung hoạt động chính của mạng lưới. Trong số đó, tập trung vào phần việc thúc đẩy đối thoại giữa các thành viên; cung cấp đầu vào chiến lược sáng kiến đô thị thông minh; đề xuất giải pháp thực hiện. Đồng thời, chia sẻ thực tiễn về thúc đẩy đô thị thông minh; cung cấp mối quan hệ hợp tác với đối tác, xúc tiến xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy tiêu chuẩn thành phố thông minh phù hợp đặc điểm địa phương...
Cải thiện chất lượng sống đô thị
Sau khi tham gia mạng lưới ASCN, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy quá trình đô thị hóa thông minh. Ngày 1/8/2018 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Quyết định xác định 3 nhóm nội hàm ưu tiên bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; quản lý đô thị thông minh; tiện ích đô thị thông minh.
Trên nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh và liên thông, nhiều đô thị ở Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã có thành công bước đầu trong cung cấp tiện ích thông minh thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường... Nền tảng từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị và xây dựng cơ hội phát triển của mỗi người với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.
Điển hình, Hà Nội đang tập trung triển khai hệ thống đỗ xe cho phép người dùng có thể tìm kiến vị trí đỗ phù hợp; thanh toán thông qua ứng dụng cài trên thiết bị điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, Hà Nội còn phát triển hệ thống bản đồ giao thông kỹ thuật số để quản lý giao thông đô thị.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, hiện khoảng 2.700 trường học và trường đại học tại Hà Nội thực hiện hệ thống sổ liên lạc, báo cáo điện tử giữa nhà trường và phụ huynh; thực hiện đăng ký ghi danh trực tuyến.
Cùng đó, về y tế, Hà Nội đang thực hiện quản lý sức khỏe người dân qua hồ sơ y tế điện tử với khoảng 900.000 hồ sơ; đẩy nhanh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với hơn 1.500 thủ tục hành chính, đạt 91% mục tiêu đề ra.
Đáng chú ý, việc triển khai dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội với 272 ha tại huyện Đông Anh dự kiến sẽ góp phần giải quyết vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh.
Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu lớn, trung tâm điều khiển dữ liệu, trung tâm điều khiển an ninh và hệ thống dữ liệu mở. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch xây dựng giải pháp thông minh cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm, giáo dục, quản lý giao thông, kiểm soát ngập úng.
Đối với Đà Nẵng, đây là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông Việt Nam - Viet Nam ICT Index trong thời gian qua.
Thành phố Đà Nẵng đạt điểm tối đa về ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan nhà nước. Từ năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc tổng thể Thành phố thông minh và Đề án xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025.
Là thành viên tích cực tham gia mạng lưới ASCN, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang nỗ lực nắm bắt cơ hội hợp tác và hỗ trợ của đối tác trong và cả ngoài mạng lưới cũng như doanh nghiệp đến từ khu vực tư nhân để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị thông minh.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo hành lang pháp lý ổn định thu hút sự tham gia của đối tác, doanh nghiệp trong khối tư nhân. Qua đó, các dự án phát triển đô thị thông minh được hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa; nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế Việt Nam trong toàn khối ASEAN.