Nhập khẩu nguyên phụ liệuCông nghiệp phụ trợ là ngành sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho việc chế tạo các sản phẩm chính của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. Việc phát triển CNHT sẽ giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, giảm giá thành sản xuất. Theo thống kê hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 371 DN trong nước và 261 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia ngành CNHT. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho những DN này vẫn phải nhập khẩu. Các sản phẩm sau khi sản xuất lại phải xuất khẩu ngược ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, sản phẩm của DN trong nước vừa ít, vừa có giá trị gia tăng thấp.
Để nâng cao cạnh tranh và đón đầu cơ hội, DN Minh Diệu tự đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất đế giày. |
Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân kém phát triển của CNHT trong nước là do trước đây chúng ta định nghĩa sai về tầm quan trọng của ngành này, coi đây là những ngành sản xuất sản phẩm lặt vặt, không quan trọng và đôi khi chỉ đòi hỏi công nghệ thấp. Theo đó, thời gian qua doanh nghiệp chỉ thu được lợi ích rất nhỏ từ ngành CNHT, ngoại trừ giải quyết việc làm cho lao động trong nước và học hỏi kinh nghiệm quản lý.
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtex) Phạm Xuân Hồng:
Tìm kiếm thị trường mới
Hiện nay, Agtex và các DN thành viên đang thúc đẩy tìm kiếm các nguồn nguyên phụ liệu trong nước cũng như các nước tham gia TPP. Sắp tới, Agtex sẽ sang Malaysia để bàn phương án hợp tác với Hội Dệt may của Malaysia và khai thác lợi thế của DN hai nước. Bởi các DN Việt Nam sản xuất nguyên phụ liệu không nhiều nên chúng ta cần phải có thêm chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhiều hơn nữa. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi về vốn, giá thuê đất... cho các DN trong nước để đầu tư vào ngành dệt, nhuộm. Nếu không được hưởng mức lãi suất ưu đãi thì không có DN tư nhân nào dám vay vốn để đầu tư.
Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu:
Cần có chính sách thông thoáng
Hiện nay, những DN kinh doanh nguồn gỗ hợp pháp cũng phải chịu những chính sách quản lý giống như những đơn vị không có nguồn gỗ hợp pháp khác. Do vậy, DN mong muốn Nhà nước cần xem xét lại cơ chế chính sách, làm sao phải tạo điều kiện cho các DN có nguồn gỗ hợp pháp được triển khai hoạt động nhanh hơn, linh hoạt hơn và giảm thiểu các chi phí không đáng có... Khi đầu vào sản phẩm có được mức chi phí thấp, các DN trong chuỗi cung ứng sẽ được hưởng lợi, giá thành nguyên liệu hợp lý hơn, qua đó tạo được lợi thế xuất khẩu... |
TS Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đưa ra ví dụ, gần 2 thập kỷ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng ngành CNHT Việt Nam vẫn ì ạch leo dốc. Điển hình là việc Công ty Daihatsu ròng rã khảo sát hàng tháng trời hơn 60 DN Việt Nam, nhưng họ vẫn không thể tìm ra được nhà cung cấp linh phụ kiện đạt yêu cầu. Trong khi đó, Canon cũng phải mất một thời gian dài mới tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam, song 90% trong số đó lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí, 5 năm trước, khi đầu tư vào Việt Nam, đại diện Công ty Fujitsu đã lặn lội đi tìm đến 64 doanh nghiệp trong nước mà không mua nổi... cái ốc vít. Khảo sát của tổ chức Jetro (Nhật Bản) cũng cho thấy, qua khảo sát 68 doanh nghiệp của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam thì có tới 50 - 90% linh phụ kiện vẫn phải nhập từ nước ngoài.
Hiện nay, ngoại trừ ngành sản xuất xe máy được coi là ngành có công nghiệp phụ trợ cao nhất với tỷ lệ nội địa hóa gần 80%, các ngành còn lại tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Ngay cả những ngành được đánh giá là mạnh với kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ USD như: giày da, may mặc, điện tử..., nguồn nguyên liệu "đầu vào" vẫn phải phụ thuộc rất nhiều từ nhập khẩu nên giá trị gia tăng còn thấp. Ngành dệt may - da giày, một ngành có kim ngạch xuất khẩu nằm trong top 10 về giá trị của Việt Nam song lại có tỉ lệ nội địa hóa rất thấp. 80% số vải, da, vải giả da và các phụ liệu như chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại... vẫn phải nhập khẩu. Các phụ liệu trong nước sản xuất được như: vài loại vải, khóa kéo... thì lại ít được sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu. Các ngành khác như: ngành nhựa, cơ khí, sản xuất bao bì... cũng phải nhập nguyên phụ liệu.
Ông Lê Quang Doãn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Minh Diệu, chuyên sản xuất đế giày cho biết, phần lớn các DN sản xuất nguyên liệu hỗ trợ đều là DN vừa và nhỏ. Trong khi đó, thời gian qua do ngành CNHT chưa được quan tâm đúng mức nên những DN trong lĩnh vực đều thiếu vốn và nguyên liệu sản xuất. Chính vì thế, hiện nguồn nguyên liệu của ngành nhựa nói chung và ngành da giày nói riêng ở trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của DN sản xuất. Hiện mới có một vài DN sản xuất ngành nhựa PPC, còn lại các loại nhựa khác đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, như nhựa Polyurethane (PU) phải nhập khẩu 100%. Đây là một loại vật liệu sản xuất theo công nghệ mới nhất, có ưu điểm là dẻo dai, bền, nhẹ và thân thiện với môi trường.
Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, trong nhiều năm qua ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng trên 100 thị trường thế giới. Có thể thấy, đây là cơ hội nhưng cũng là khó khăn cho các DN ngành gỗ vì vẫn phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Bởi hiện nay, gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất các sản phẩm gỗ ngoài trời, 50% còn lại phải nhập khẩu.
Nắm bắt thời cơTheo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển CNHT, trong đó cơ bản dựa trên khả năng tiếp thu công nghệ mới và sự khéo tay của người thợ. So với Thái Lan, một trong những quốc gia hàng đầu về công nghiệp phụ trợ, Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn có thể vượt qua. Theo đó, Việt Nam nên tập trung đầu tư vào các khu công nghiệp chuyên biệt về công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao.
Nói về ngành gỗ, theo ông Hạnh, để nắm bắt thời cơ phát triển ngành CNHT, cần đẩy mạnh phát triển trồng rừng. Việt Nam có lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được; đó là chúng ta có nguồn gỗ rừng trồng. Theo quy hoạch phát triển rừng, dự kiến đến năm 2018 - 2020, độ che phủ rừng đạt được 45%. Với 5 triệu ha rừng trồng mới theo chủ trương của Chính phủ, mỗi năm có thể thu hoạch khoảng 15 triệu m3 gỗ tràm. Bên cạnh đó, cây cao su cũng cung cấp cho ngành chế biến gỗ trên 2 triệu m3. Đây là nguồn nguyên liệu hoàn toàn hợp pháp. Do đó, Hiệp hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh mong muốn các DN trong nước tận dụng thời cơ này để đầu tư sản xuất, phục vụ cho chính mình. Nếu làm được như vậy, DN gỗ mới hoàn toàn thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Ông Bùi Quang Hải, đại diện Hội Cơ khí TP Hồ Chí Minh (HAME), chia sẻ, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội từ việc hợp tác với Nhật Bản xây dựng chiến lược hợp tác công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trong đó, Việt Nam sẽ phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, môi trường và tiết kiệm năng lượng, đóng tàu, sản xuất phụ tùng ô tô. Theo đó, các DN cần đẩy nhanh phát triển ngành CNHT bằng việc khuyến khích phát triển nguồn nhân lực và thiết lập mối quan hệ khăng khít với các công ty Nhật Bản. Việc tìm kiếm được đối tác phù hợp để hợp tác kinh doanh sẽ giúp ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
PV