Phát triển công nghiệp công nghệ cao - Bài cuối: Điểm đến hấp dẫn đầu tư

Mặc dù đến nay, Đà Nẵng về cơ bản đã kiểm soát được dịch COVID-19, nhưng thiệt hại về kinh tế là không nhỏ. Tuy nhiên, việc Đà Nẵng triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư được kỳ vọng sẽ giúp Đà Nẵng thực sự là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, những tập đoàn công nghệ cao,  giúp địa phương phục hồi kinh tế.

Nhận diện ưu, khuyết điểm

Dịch COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, điều đáng mừng là trước tình hình khó khăn chung, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút được 13 dự án; trong đó, có 1 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD (chiếm 44,42%  nguồn vốn FDI thu hút toàn thành phố); 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 1.250,5 tỷ đồng (tăng gần gấp 4 lần tổng số vốn đầu tư trong nước so với cùng kỳ); có 8 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn tăng 8,6 triệu USD.

Chú thích ảnh
Khâu kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại công ty ICT Vina (100% vốn Hàn Quốc - hoạt động tại Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng). 

Đặc biệt trong 9 tháng của năm, không có doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thông báo chấm dứt hoạt động dự án với lý do dịch bệnh. Đồng thời, các dự án được cấp phép tại Tọa đàm mùa xuân năm 2019 cũng được khánh thành và đi vào hoạt động.

Cụ thể là, nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (170 triệu USD); Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử Key Tronic tại khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (70 triệu USD); Dự án Nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng - Giai đoạn 1 (120 tỷ, tương đương 5,14 triệu USD), dự án mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty Mabuchi tại khu công nghiệp Hoà Khánh (30 triệu USD).

Các chủ doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài đang hoạt động tại khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng cho biết có rất nhiều lý do để họ lựa chọn đầu tư tại Đà Nẵng. Ông Lee Hyung Seok, Tổng giám đốc công ty ICT Vina (100% vốn Hàn Quốc) chia sẻ: Khi đầu tư vào khu Công nghệ cao, công ty được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như ưu đãi về thuế thu nhập, miễn giảm tiền thuê đất... Thêm nữa, Đà Nẵng là trung tâm của nước Việt Nam, có cảng biển lớn nên giao thông rất thuận lợi. Môi trường Đà Nẵng cũng rất trong lành, sạch sẽ, phù hợp với lĩnh vực sản xuất thiết bị nha khoa của công ty.

“Điều làm tôi ấn tượng nhất là thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư tại đây rất nhanh. Ban đầu kế hoạch của chúng tôi dự định dành khoảng 12 tháng cho việc này. Nhưng chỉ mất 8 tháng thì toàn bộ các thủ tục đã hoàn thành, nhanh hơn nhiều so với dự kiến, phía Việt Nam hướng dẫn rất nhiệt tình và cụ thể”, ông Lee Hyung Seok cho biết.

Còn công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) là một trong những công ty đầu tiên đầu tư vào khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng, hiện đã vận hành ổn định được 5 năm. Công ty chuyên sản xuất các linh kiện máy bằng kim loại, hiện có tổng cộng 100 nhân viên, doanh thu mỗi năm khoảng 6 triệu USD.

Ông Niwa Dai, Tổng giám đốc công ty chia sẻ: “Tôi đã chọn khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng để mở nhà máy vì Đà Nẵng rất thuận tiện để sản xuất và vận chuyển sản phẩm đi các tỉnh thành khác trên cả nước; xuất khẩu đi Thái Lan, Indonesia, các nước Đông Nam Á... Đồng thời, tại đây có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, miễn giảm thuế phí phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp”.

Tuy vậy, các nhà đầu tư cũng chỉ ra một số điểm yếu còn tồn tại khi đầu tư lĩnh vực công nghệ cao tại Đà Nẵng như: hiện chưa có nhiều doanh nghiệp cung ứng nên phải vận chuyển một số nguyên liệu còn thiếu từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh; thành phố cần đẩy mạnh đào tạo và thu hút nhiều hơn nữa các nhân sự chất lượng cao, chuyên gia; sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể đến năm 2045, hoàn thiện việc nâng cấp hệ thống cảng biển, hàng không, đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao...

Đón sóng đầu tư mới

Nhận định tầm quan trọng của phát triển công nghiệp công nghệ cao trong nền kinh tế hậu COVID-19, trong Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 23 vừa qua, các đại biểu đã thống nhất cần sớm ban hành và triển khai Nghị quyết của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, thành phố đẩy nhanh thủ tục xúc tiến đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo kế hoạch được phê duyệt; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin; đôn đốc triển khai dự án Khu công viên phần mềm số 2; hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phần mềm. Các sở, ngành tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch của thế giới...

Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với lãi suất 0% từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngành Hải quan thành phố đã giải quyết miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch theo Quyết định 155/QĐ-BTC ngày 07/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Ngành lao động đã làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch, bệnh COVID-19...

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện tại, UBND thành phố Đà Nẵng đang có kế hoạch trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, có sự điều chỉnh, bổ sung và xây mới hệ thống cảng biển, đường sắt, đường bộ và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những thuận lợi rất lớn để tăng sức thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Đà Nẵng nói chung và đầu tư vào khu công nghệ cao nói riêng. 

Trong tương lai, khi cảng biển Liên Chiểu được xây dựng và đưa vào sử dụng, hệ thống logistics phía Tây thành phố và hệ thống các công trình phụ trợ hoàn thiện sẽ rút ngắn được thời gian và khoảng cách vận chuyển hàng hóa, thiết bị tạo nên bước đột phá trong việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao.

Hưởng lợi nhất sẽ là các dự án chuyên xuất khẩu, các dự án logistics phục vụ khu công nghệ cao và các khu công nghiệp phía tây thành phố. Từ đó, tạo thành chuỗi cung ứng và kết nối với các vùng kinh tế lân cận, góp phần tăng hiệu quả và năng suất đối với các dự án đầu tư tại khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Sau những tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19, ông Phạm Trường Sơn cho rằng đã hình thành mối liên hệ mật thiết giữa khả năng hoạt động theo hình thức online trong mọi khía cạnh như vận hành, marketing, khả năng làm việc từ xa tại nhà….
 
Có thể khẳng định, “sức nóng” của ngành công nghệ thông tin sẽ ngày càng tăng theo chiều hướng bền vững. Mặt khác, hiện tại, thành phố Đà Nẵng cũng đang xây dựng mô hình “Thành phố thông minh”, trong đó công nghệ thông tin là thành phần cốt lõi. Điều này cũng giúp thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, kéo theo nhu cầu rất lớn về nhân lực chất lượng cao trong cả tương lai ngắn và dài hạn.

Bài và ảnh: Tạ Nguyên (TTXVN)
Phát triển công nghiệp công nghệ cao - Bài 1: Kỳ vọng phục hồi kinh tế sau dịch
Phát triển công nghiệp công nghệ cao - Bài 1: Kỳ vọng phục hồi kinh tế sau dịch

Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN