Các đại biểu dự buổi họp thường niên của Nhóm công tác Đại dương và Nghề cá. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Tại buổi làm việc, đại diện các nền kinh tế thành viên đã thảo luận tập trung về mối quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững và nâng cao sản xuất thực phẩm và dinh dưỡng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thống nhất kế hoạch hành động chung về thực hiện chính sách, dự án hỗ trợ nghề cá có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhằm bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu trong khu vực; đồng thời, tập trung giải quyết vấn đề xả thải ra biển và đấu tranh với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân, bảo vệ môi trường, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ông Patrick Edward Moran, Trưởng Nhóm công tác về Đại dương và Nghề cá cho biết, nghề cá của nhiều nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương có điểm chung là quy mô nhỏ và gắn với sinh kế của cộng đồng cư dân nghèo ven biển nên dễ bị tổn thương bởi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan.
Trước tình hình này, OFWG đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên APEC để phát triển bền vững nghề cá gắn với bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường; trong đó, ưu tiên đẩy mạnh công tác bảo tồn hệ sinh thái biển và khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý nguồn tài nguyên thủy sản trong khu vực để bảo đảm lợi ích kinh tế lâu dài thông qua các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý tài nguyên biển, quy hoạch và phát triển các khu bảo tồn sinh thái biển, tăng cường hợp tác ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản giữa các nền kinh tế thành viên, trao đổi và chuyển giao công nghệ khoa học trong bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên biển.
Trong công tác bảo đảm an ninh lương thực và tăng chất lượng sản xuất, kế hoạch tập trung vào công tác hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển đối phó với nạn khai thác thủy sản bất hợp pháp và không theo quy định; nâng cao nhận thức của người dân về vao trò của đại dương và tầm quan trọng của khai thác thủy, hải sản hợp lý và bền vững; tăng thu nhập và tạo cơ hội việc làm, hỗ trợ vốn và kinh tế cho các cá nhân, hộ dân khó khăn; kêu gọi và kiến tạo một môi trường đầu tư thân thiện, qua đó cải thiện giá trị chuỗi thực phẩm cho ngành cá quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong khu vực.
Trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch hướng đến mục tiêu tăng cường sự hiểu biết và khả năng ứng phó khẩn cấp của cộng đồng ven biển, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc khối APEC đối với thảm hoạ tự nhiên cũng như khả năng phục hồi sau thảm hoạ, đồng thời tìm kiếm những giải pháp thích hợp để thích ứng lâu dài với biến đổi khí hậu, ổn định chuỗi cung ứng thủy sản khu vực.
Đặc biệt, OFWG đặt kế hoạch phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên APEC trên cơ sở tăng cường chia sẻ thông tin về các nghiên cứu liên quan đến sự phát triển của “nền kinh tế xanh lam” trong khu vực; khuyến khích các cuộc thảo luận về phương pháp khai thác hợp lý tài nguyên biển giúp bảo tồn môi trường đại dương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh, với vai trò là nền kinh tế chủ nhà năm APEC 2017, ưu tiên của Việt Nam tại cuộc họp lần này là thực hiện liên kết lâu dài với các nền kinh tế thành viên vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển và đại dương; đồng thời tích cực chia sẻ thông tin, hợp tác tìm ra phương thức hiệu quả để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, đóng góp vào kế hoạch hành động của khu vực trong công tác bảo vệ và ổn định hoạt động của nghề cá.