Sau khi xác định đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi, ngành thú y và chính quyền địa phương cùng với hộ chăn nuôi đã cho tiến hành tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh theo quy định, lập bản cam kết với hộ chăn nuôi; đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp phòng trừ, ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan diện rộng.
Cụ thể, ngày 12/3, tại trang trại chăn nuôi của gia đình bà Trịnh Thị Hải, thôn Sơn Tùng, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Bình có đàn lợn gồm 19 con xuất hiện những biểu hiện, triệu chứng điển hình của dịch tả lợn châu Phi. Sau khi nhận được tin báo từ chính quyền địa phương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch, Ủy ban nhân dân xã Quảng Tùng tiến hành các bước lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng, phun hóa chất, vệ sinh chuồng trại, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa cần thiết cho hộ chăn nuôi.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch ông Tưởng Chí Thành thông tin: Ngày 15/3, Chi cục Thú y vùng III có kết quả khẳng định đàn lợn trên dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Để đảm bảo an toàn và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng phun hoá chất tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại khu vực phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi và các vùng phụ cận trên địa bàn xã. Đơn vị cũng tham mưu các văn bản hướng dẫn công tác phòng trừ dịch bệnh, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền người dân chấp hành tốt các quy định trong chăn nuôi; đặc biệt khuyến cáo bà con tuyệt đối không vứt xác động vật trôi nổi, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch phát tán, lây lan.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết: Nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục tái dịch tại các địa phương trong tỉnh là rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên khó khăn trong việc kiểm soát, khống chế dập dịch tuyệt đối. Cùng với đó, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn dịch bệnh và việc tuân các quy định, hướng dẫn trong quá trình chăn nuôi của các hộ dân còn chưa cao; các tác động bất lợi của thời tiết làm giảm khả năng đề kháng bệnh của vật nuôi, các mầm bệnh còn tồn dư trong môi trường dễ phát tán, gây bệnh. Mặt khác đội ngũ cán bộ nhân lực còn mỏng và thiếu, nguồn kinh phí hạn hẹp… cũng khiến công tác phòng, chống dịch gặp không ít khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cũng đang nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo an toàn chăn nuôi phòng chống dịch hiệu quả, trong đó chú trọng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; làm tốt công tác tham mưu, sẵn sàng các phương án ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi kịp thời, phù hợp và sát thực tế khi có diễn biến mới.
Đối với các ổ, điểm dịch mới, phối hợp chặt chẽ với địa phương và người dân tập trung xử lý dứt điểm, khống chế trong diện hẹp và hạn chế dịch bệnh lây lan kéo dài; tăng cường phối hợp, giám sát các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và các điều kiện để phát triển đàn lợn. Ngành thú y địa phương, cán bộ địa bàn tăng cường giám sát, hỗ trợ, phối hợp địa phương thực hiện chống dịch. Triển khai các biện pháp đảm bảo công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo dịch, bán chạy, giết mổ lợn mắc bệnh, vứt xác chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh…
Để chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đã có Kế hoạch về tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm năm 2022. Theo đó, Quảng Bình sẽ triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm định kỳ 2 đợt trong năm, tùy theo từng loại vaccine trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó: đợt 1 từ tháng 3 - 4/2022; đợt 2 từ tháng 9 - 10/2022. Công tác tiêm chủng phải đúng loại vaccine, kỹ thuật và thời gian; ghi chép đầy đủ, chính xác số gia súc, gia cầm được tiêm phòng. Các đơn vị, địa phương theo dõi, giám sát, xử lý kịp thời các trường hợp phát sinh; lập hồ sơ tiêm phòng đầy đủ, thanh quyết toán đối với các loại vaccine được hỗ trợ theo quy định… Thông qua đó sẽ góp phần tạo miễn dịch bảo hộ để phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, góp phần bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người.