Dự án này là công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho phụ tải khu vực tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm vùng duyên hải Nam Trung bộ; giải tỏa công suất của nhà máy điện BOT Vân Phong 1 và công suất của các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên. Đồng thời, góp phần tăng cường ổn định hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Dự án có quy mô chính gồm: lắp đặt mới 2 máy biến áp 900 MVA; 6 ngăn xuất tuyến 500 kV; 13 ngăn xuất tuyến 220 kV; xây dựng tuyến đường dây 220 kV đấu nối dài 26,1 km từ trạm biến áp 500 kV Vân Phong đến trạm biến áp 220 kV Vân Phong và đấu nối vào 1 mạch của đường dây 220 kV Vân Phong - Tuy Hòa.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án, EVNNPT/CPMB lập tiến độ chi tiết các hạng mục công việc, bám sát công trường nhằm giám sát, kịp thời giải quyết những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng dự án. Ban Điều hành, Ban Tiền phương chịu trách nhiệm điều hành chi tiết thi công, thường trực trên công trường để kịp thời phối hợp với các đơn vị và địa phương giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công.
Nhà thầu tư vấn thiết kế cử cán bộ giám sát có mặt thường xuyên tại hiện trường để xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo tiến độ thi công của nhà thầu. Các nhà thầu thi công xây lắp hiện đã bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện máy móc thiết bị thi công trên công trường, tranh thủ thời tiết, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Để đảm bảo tiến độ dự án, CPMB kiến nghị tỉnh Khánh Hòa sớm thông qua Nghị quyết thu hồi đất trên địa bàn thị xã Ninh Hòa để hoàn thiện các thủ tục liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các sở, ngành, UBND thị xã Ninh Hòa phối hợp hoàn thành các thủ tục, đẩy mạnh tuyên truyền không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận...
Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT cho biết, theo quy định tại Hợp đồng mua bán điện và Hợp đồng BOT của dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, EVN có nghĩa vụ hoàn thành trạm biến áp 500 kV và đường dây đấu nối; dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân không muộn hơn ngày 26/12/2022. Nếu các dự án hoàn thành chậm, EVN sẽ phải trả phí công suất khoảng 23 tỷ đồng mỗi ngày cùng với các chi phí phát sinh khác. Đồng thời, sau 6 tháng nếu không khắc phục được, chủ đầu tư có quyền chấm dứt dự án và phía Việt Nam phải mua lại dự án theo quy định.
Với khối lượng công việc phải tập trung tổ chức thực hiện rất lớn, triển khai trong các điều kiện không thuận lợi như: Dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên cả nước trong thời gian qua và vẫn đang diễn biến khó lường; các khó khăn về thời gian thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt thường xuyên mưa bão và nắng nóng gây gắt kéo dài, đặc biệt đối mặt với các vướng mắc thường xuyên trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Chủ tịch Nguyễn Tuấn Tùng yêu cầu EVNNPT/CPMB, các đơn vị tư vấn và nhà thầu cử lãnh đạo có trách nhiệm thường xuyên bám tuyến để tổ chức điều hành công trường, huy động tất cả các nguồn lực, tranh thủ thời gian để đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thi công; các đơn vị tiếp tục phát huy kinh nghiệm và những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua liên kết để tiếp tục thi đua lao động sản xuất trên công trình dự án; đảm bảo hoàn thành kéo rải, căng dây và lắp đặt thiết bị trạm để nghiệm thu đóng điện dự án trước ngày 26/12/2022.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án được xây dựng trên điện tích đất của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và phải hoàn thành thi công trong 15 tháng. Đây là thử thách lớn đối với địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng do khối lượng công việc lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa ngành điện và có giải pháp giải quyết nhanh nhất các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, các vướng mắc liên quan khác để bàn giao mặt bằng thi công các vị trí móng trụ từ nay đến tháng 12/2021; bàn giao hành lang tuyến kết thúc vào tháng 6/2022.
“Tỉnh Khánh Hòa cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ chia sẻ công việc với ngành điện để hoàn thành đúng tiến độ dự án trọng điểm quốc gia, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.