“Nút thắt” tại Hà Tĩnh và Quảng Nam
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, tính đến hết tháng 7, phần móng đoạn tuyến các địa phương bàn giao 1.161 vị trí, đạt 98,64% kế hoạch; trong đó, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng bàn giao 100% vị trí móng.
Nút thắt chính trong giải phóng mặt bằng là tỉnh Hà Tĩnh mới bàn giao 61/71 vị trí, tỉnh Quảng Nam bàn giao 262/268 vị trí. Riêng phần hành lang tuyến tất cả các địa phương có đường dây đi qua đều chưa hoàn thành mặt bằng (bàn giao 1.091 khoảng cột, đạt 92,77%).
Tại tỉnh Hà Tĩnh, trong tháng 6/2021, Hội đồng bồi thường thị xã Kỳ Anh đã chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân 2 đợt và đến nay có 21/144 hộ dân nhận tiền. Đoàn công tác tuyên truyền vận động của thị xã đã phối hợp với UBND phường và các tổ chức đoàn thể phường Kỳ Thịnh triển khai đến từng gia đình để vận động người dân chấp hành nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhưng các hộ dân vẫn không chấp hành.
Ngày 28/7/2021, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh và các đơn vị liên quan họp với Linh mục, Ban hành giáo và các hộ dân để giải thích, đối thoại vận động nhưng các hộ dân vẫn không đồng thuận.
Tỉnh Quảng Nam có khả thi hơn khi địa phương giải quyết dứt điểm liên quan chế độ chính sách. Hiện tỉnh đang đôn đốc hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt bàn giao 6 vị trí móng còn lại và 18 khoảng néo hành lang tuyến đảm bảo kế hoạch kéo dây. Ngày 9/7/2021, UBND tỉnh đã chủ trì họp giải quyết các vướng mắc và chỉ đạo các địa phương tập trung bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2021.
Các tỉnh, thành phố khác có đường dây đi qua cũng đang rốt ráo chỉ đạo hoàn thành bàn giao hành lang tuyến cho chủ đầu tư.
Về tiến độ thi công, các nhà thầu đã triển khai đồng loạt trên toàn tuyến. CPMB cũng đã có văn bản cho các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế tập trung lực lượng để triển khai đồng thời với việc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh làm ảnh hưởng đến việc điều chuyển lực lượng của các đơn vị, ảnh hưởng đến thi công đào đúc móng, dựng cột, kéo dây và nghiệm thu,…
Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, ngày 29/3/2021, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 393/CĐ-TTg về việc giải quyết vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng đường dây mạch 3. Mặc dù các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng từ tháng 4-5/2021 cho đến nay dịch bệnh COVID bùng phát làm ảnh hưởng tiến độ.
Theo đánh giá của CPMB, nếu như các địa phương hoàn thành toàn bộ phần hành lang tuyến chậm nhất 15/9/2021, cùng với đó tình hình dịch bệnh kiểm soát tốt, đơn vị sẽ phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trong quý IV/2021.
Vào cuộc quyết liệt hơn
Để đảm bảo tiến độ dự án, EVNNPT/CPMB đề xuất UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên, chỉ đạo địa phương cấp dưới thành lập các Tổ công tác đặc biệt cho dự án để tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc còn tồn tại hiện nay, đặc biệt là 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Nam.
Cùng đó, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục tái định cư để có điều kiện cho các hộ dân di dời nhà ra ngoài hành lang tuyến. Trong trường hợp đã làm đúng, làm đủ nhưng các hộ dân vẫn không đồng thuận, nghị chính quyền địa phương xem xét sử dụng các biện pháp như cưỡng chế, bảo vệ thi công,…
Lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã thường trực theo dõi, chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo kế hoạch của dự án; tập trung nhân lực có kinh nghiệm về bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện công việc cho giai đoạn nước rút theo tiến độ của dự án.
Các địa phương cũng cần thường xuyên kiểm tra thực địa, làm việc, đối thoại với dân để xử lý hoặc báo cáo cấp trên kịp thời các tình huống phát sinh và các vướng mắc thực tế, đảm bảo cho quá trình thi công xuyên suốt.
Phía EVNNPT/CPMB sẽ tiếp tục điều hành dự án tích cực, chủ động; bám sát chính quyền địa phương để phối hợp tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân đồng thuận nhằm thực hiện tốt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ban Tiền phương trực tiếp bám sát hiện trường, định kỳ tổ chức họp điều độ để đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công trình; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc về thi công, thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, …
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh, những nỗ lực của EVNNPT/CPMB đã đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên với nhiều khó khăn khách quan như dịch bệnh COVID-19 bùng phát, bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương còn chậm nên cản trở tiến độ của dự án. Lãnh đạo EVN cho biết, Tập đoàn sẽ có những kiến nghị tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của dự án nhằm đưa dự án về đích trong thời gian sớm nhất.