Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để chương trình phát huy hiệu quả, EVN HANOI cần tăng số lượng, tần suất, thời lượng, nội dung các chương trình, hoạt động tuyên truyền. Cụ thể, chú trọng vào việc khuyến khích gia tăng số lượng doanh nghiệp, người dân tham gia vào các chương trình quản lý nhu cầu điện, cắt giảm phụ tải đỉnh, cam kết hỗ trợ nguồn phát, luân phiên giờ làm việc, ca sản xuất, ứng dụng nhiều hơn các thiết bị điện hiệu suất cao...
Đối với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, Ban quản lý, chủ đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn... phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương Hà Nội, EVN HANOI, điện lực các địa phương, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; động viên các doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng chuyển đổi công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng; sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý…
“Thông qua Lễ phát động cao điểm điểm hè năm 2023, EVN HANOI mong muốn người dân Thủ đô, các gia đình, cơ quan, cơ sở sử dụng năng lượng… trên địa bàn cùng hành động thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng không chỉ trong thời gian cao điểm hè mà trong suốt cả năm 2023, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước và hoàn thành Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường tiết kiệm điện năm 2023”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc EVN HANOI nhấn mạnh.
Năm 2022, Hà Nội đã hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng 57 doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả năng lượng cho 12 cơ sở tòa nhà, công trình xây dựng; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 12 đơn vị; đánh giá thiết kế kiến trúc thông qua mô phỏng năng lượng cho 6 tòa nhà; hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất ứng dụng phương pháp dự báo nhu cầu năng lượng để đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng và 23 tòa nhà ứng dụng công cụ đánh giá hiệu quả năng lượng đáp ứng Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD.
Đồng thời, vận động trên 100 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng Năng lượng xanh theo tiêu chí của thành phố; trong đó, công nhận 55 cơ sở đạt danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh. Tư vấn 5 đơn vị điển hình tham gia giải thưởng ASEAN về quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà... Qua việc triển khai Chương trình đã góp phần tiết kiệm 131,3 kTOE, đạt 1,63% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.
Năm 2023, chương trình tiếp tục đưa ra những hành động với những mục tiêu cụ thể tại Kế hoạch số 316/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội nhằm phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,5 - 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu; trong đó, tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ...