OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại

Ngày 6/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống 3,3% từ mức dự đoán 3,5% đưa ra hồi tháng 11/2018 với lý do căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị đang tác động tới nền kinh tế toàn cầu.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cảng container hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trong báo cáo mang tên Triển vọng Kinh tế, OECD cho biết bất ổn về chính sách cùng với căng thẳng thương mại đang diễn ra và lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng bị xói mòn là những nhân tố góp phần làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

OECD đã điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng của hầu hết các nước thành viên Nhóm Các nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G20). Theo OECD, 19 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị tác động nghiêm trọng nhất, với dự báo tăng trưởng giảm từ 1,8% xuống 1%. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức dự báo giảm từ 1,4% xuống 0,7%, của Italy giảm từ 0,9% xuống âm 0,2%, của Pháp giảm từ 1,5% xuống 1,3% . Riêng đối với Anh, OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế từ 1,4% xuống 0,8% dựa trên giả thuyết cho rằng tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit diễn ra suôn sẻ. Trong trường hợp Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào cả, OECD cho rằng mức dự báo này sẽ còn giảm mạnh hơn nữa, đồng thời cảnh báo rằng một Brexit hỗn loạn sẽ làm tăng đáng kể phí tổn cho các nền kinh tế châu Âu. OECD cũng giảm dự báo tăng trưởng của 19 nước thành viên trong Eurozonene xuống 1,2% vào năm 2020, giảm 0,4% so với dự báo đưa ra hồi tháng 11/2018. 

Trong báo cáo, OECD cho rằng những hạn chế thương mại phần lớn do Mỹ và Trung Quốc áp đặt hồi năm ngoái, là nguyên nhân làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế, đầu tư, cũng như mức sinh hoạt nhất là của các hộ gia đình có thu nhập thấp. Hiện Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong quá trình đàm phán thương mại,  song OECD cảnh báo rằng vẫn còn những rủi ro khác thậm chí nếu hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại, như nguy cơ Mỹ có thể áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU. Theo OECD, việc áp thuế này là sẽ đòn giáng đối với EU bởi ô tô chiếm khoảng 1/10 lượng hàng xuất khẩu của EU sang Mỹ. 

Còn đối với Trung Quốc, OECD đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế từ mức 6,3% đưa ra hồi tháng 11/2018 xuống 6,2% trong năm nay và ổn định ở mức 6% vào năm 2020. OECD cũng cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm mạnh sẽ tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và triển vọng thương mại toàn cầu.

Minh Châu (TTXVN)
Trung Quốc: Mỹ chỉ bá chủ kinh tế toàn cầu 15 năm nữa
Trung Quốc: Mỹ chỉ bá chủ kinh tế toàn cầu 15 năm nữa

Nước Mỹ sẽ chỉ giữ vị trí độc tôn siêu cường kinh tế toàn cầu cho đến năm 2035, trong lúc vai trò của Trung Quốc trong bức tranh kinh tế thế giới sẽ trở nên quan trọng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN