Nuôi tôm tự phát, lợi trước mắt hại lâu dài

Bắt đầu từ năm 2013 khi con tôm bất ngờ lên ngôi, đem lại nguồn lợi nhuận cao cho ngành thủy sản, nhà nông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có xu hướng chuyển sang đầu tư nuôi tôm, bỏ ngoài tai những cảnh báo rủi ro của ngành chức năng.


Nuôi tôm vượt quy hoạch


Mặc dù không có kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chị Võ Thị Kim Hoàng ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã quyết định dành hơn 500 triệu đồng để chung vốn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Đồng Tháp. Do không thuận lợi về thổ nhưỡng, để nuôi tôm chị phải khoan giếng lấy nước ngầm cấp cho ao nuôi sau đó pha thêm khoáng chất, muối. “Lợi nhuận nuôi tôm không lớn do chi phí nhiều. Hơn nữa, do nuôi tự phát không có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, nguồn nước thải đưa trực tiếp ra sông, kênh rạch nên người nuôi còn bị nhắc nhở gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến tầng nước ngầm, gây ra tình trạng mặn hóa và làm giảm năng suất lúa...”, chị Hoàng cho hay.

 

Hơn một năm trở lại đây, người nuôi tôm ở Cà mau ồ ạt chuyển đổi từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN


Nghĩ rằng nuôi tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận cao, lại dễ nuôi nên hiện nay nông dân nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang ồ ạt, dồn kinh phí thả nuôi tự phát tôm thẻ chân trắng. Đặc biệt, không chỉ các địa phương ven biển mà ngay cả những vùng có hệ sinh thái nước ngọt, không đủ điều kiện nuôi, người dân cũng tự “nghiên cứu” những giải pháp kỹ thuật để nuôi. Chỉ tính riêng tại tỉnh Đồng Tháp đã có gần 100 ha nuôi theo mô hình trên, tập trung nhiều nhất ở huyện Tam Nông, thị xã Hồng Ngự... Còn tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2013, diện tích tôm thẻ chân trắng theo quy hoạch chỉ có 7.000 ha nhưng nhà nông đã thả nuôi tổng diện tích hơn 16.000 ha. Riêng tỉnh Cà Mau “thủ phủ con tôm”, kế hoạch đề ra đến hết năm 2014 toàn tỉnh sẽ có 7.000 ha nuôi tôm công nghiệp, nhưng chỉ tính trong 3 tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm công nghiệp đã vượt kế hoạch gần 500 ha...


Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, chỉ tính ở vùng nước ngọt và vùng nhiễm mặn, đến nay người dân các tỉnh khu vực ĐBSCL đã tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng hơn 1.200 ha. Nhiều hộ chấp nhận đốn hạ cây trong vườn để đào ao nuôi tôm. Tại tỉnh Bến Tre, nhà nông đã chặt phá hơn 600 ha đất dừa để chuyển sang nuôi tôm. Tỉnh Tiền Giang dự kiến năm 2014, diện tích tôm thẻ chân trắng sẽ tăng hơn bốn lần tôm sú... “Rất nhiều trường hợp người dân dù không nắm được những tác hại lâu dài cũng như kỹ thuật khi nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng do lợi nhuận hấp dẫn nên họ vẫn đổ tiền bạc, công sức nuôi. Điều này rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến quy hoạch sản xuất nông nghiệp chung, cũng như cân đối cung cầu của thị trường”, ông Nguyễn Huy Điền, Tổng Cục phó Tổng cục Thủy sản cho cảnh báo.


Đối mặt thiệt hại


Tuy nhiên, một diễn biến mới đây khiến nhà nông bất ngờ, đó là giá tôm đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2013. Cụ thể, tôm sú giảm khoảng 15%, tôm thẻ chân trắng giảm từ 20 - 25%... và đà giảm giá vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi vùng nuôi tôm các tỉnh miền Trung đang vào mùa thu hoạch. Do diện tích nuôi tôm tăng và phân tán, trong khi hạ tầng thủy lợi không bảo đảm nên nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay tại các tỉnh ĐBSCL đã có hơn 6.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Ngoài ra, nguồn tôm giống không đáp ứng nhu cầu, chất lượng con giống không bảo đảm, người nuôi tôm không nắm vững quy trình kỹ thuật nên nguy cơ rủi ro sẽ rất cao cho nông dân.


Theo ông Nguyễn Huy Điền, các đơn vị chức năng như Vụ Nuôi trồng Thủy sản sẽ báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng và đề xuất những giải pháp quản lý, cấm sử dụng nước ngầm đối với nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt. Riêng Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành ĐBSCL, cần thông tin rộng rãi những tác hại, rủi ro khi chuyển đổi nuôi sang nuôi tôm thẻ chân trắng để người dân hạn chế tình trạng nuôi tự phát như vừa qua. “Đối với người nuôi phải lựa chọn phương thức nuôi sao cho hợp lý cũng như bám theo quy hoạch và thường xuyên nghe ngóng thông tin cung cầu thị trường, trên cơ sở đó có biện pháp điều chỉnh diện tích nuôi phù hợp. Theo tôi, cần kiểm soát nuôi tôm theo đúng quy hoạch để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn”, ông Nguyễn Huy Điền nói thêm.


Lê Nghĩa

Kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu
Kiểm soát chất lượng tôm xuất khẩu

Trong thời gian qua, các thị trường châu Âu và Nhật Bản liên tiếp cảnh báo về tình trạng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam có hàm lượng kháng sinh Oxytetracycline vượt mức cho phép. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín mặt hàng tôm - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN